Chăm sóc trẻ sơ sinh đôi khi trở thành nỗi sợ cho các bà mẹ mới sinh. Tuy nhiên, để biến công việc này trở thành niềm vui cho các bà mẹ mới sinh thì hơn ai hết phụ nữ sau khi sinh cần biết mình nên làm gì và không nên làm gì khi chăm sóc bé yêu của mình.
Đọc thêm:
- Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi (Phần 1)
- Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi (Phần 2)
- Chăm sóc trẻ sơ sinh 2 – 3 tháng tuổi
- Chăm sóc trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi
- Chăm sóc trẻ sơ sinh 5 – 6 tháng tuổi
1. Chăm sóc giấc ngủ cho bé
Trong suốt tháng đầu sau sinh, bé ngủ hầu như cả ngày chỉ trừ những lúc bú và đi vệ sinh, bé ngủ khoảng 18 tiếng một ngày.
Cứ khoảng 4 tiếng bé thức, bú và chơi khoảng 30 phút sau đó lại ngủ.
Bây giờ bé vẫn chưa có khái niệm về thời gian, chưa phân biệt được đêm và ngày và bé cứ ngủ khi có nhu cầu.
Bé chưa có trình tự giờ giấc về việc ăn và ngủ. Việc ngủ, bú chỉ diễn ra theo nhu cầu tự nhiên của bé mà thôi. Bé còn bú cả vào ban đêm cho đến tận khoảng 1 tuổi và thậm chí thường xuyên tè dầm.
Chính vì vậy cho nên bạn cũng nên điều chỉnh giấc ngủ của mình cùng với bé, khi bé ngủ bạn cũng nên tranh thủ ngủ với bé, cho dù có là ban ngày để đảm bảo sức khỏe cho bạn. Như thế bạn mới có đủ sức khỏe để chăm sóc cho bé yêu của mình.
Khi bé lớn hơn bạn có thể điều chỉnh giờ giấc của bé theo sinh hoạt của gia đình, bạn có thể tập cho bé chơi và thức nhiều hơn vào ban ngày để bé có thể ngủ thẳng giấc vào ban đêm. Quá trình luyện tập này đôi khi phải diễn ra từ từ từng ít một đến khi nào bé thích nghi được. Tránh thay đổi đồng hồ sinh học của bé một cách đột ngột sẽ khiến bé mệt mỏi và quấy khóc nhiều hơn.
Lưu ý khi cho trẻ ngủ
- Luôn cho bé nằm ngủ ở tư thế nằm ngửa cho đến khi bé được ít nhất là 1 tuổi. Nếu bé hay ói ọc, có thể cho bé ngủ ở tư thế nằm nghiêng để tránh thức ăn bé ọc ra có thể lọt vào đường thở của bé. Tuyệt đối không để bé nằm sấp trong lúc ngủ khi trẻ còn quá bé.
- Bạn cần để bé nằm trên một tấm nệm phẳng chắc được đặt trong nôi. Tuyệt đối không được đặt bé nằm trên một mặt phẳng cao mà không có ai bên cạnh dù chỉ trong vài giây, cho dù lúc này bé vẫn chưa bò, lật hay di chuyển được nhưng bé cũng có thể rớt từ trên cao xuống bất cứ lúc nào. Nếu bạn không có nôi, có thể đặt bé ngủ ở một ví trí an toàn như trên sàn nhà có lót đệm là tốt nhất.
- Bạn không được để gối trong nôi, không đắp bé bằng khăn lông hay chăn bông (tuyệt đối không sử dụng chăn của người lớn để đắp cho bé), những thứ này có thể làm bé ngạt thở nếu vô tình hoặc do bé quơ đạp mà phủ lên mặt. Tốt nhất bạn nên cho bé mặc một lớp áo mỏng bên trong và bên ngoài khoác một chiếc áo dày hơn, mặc quần dài, chân mang vớ để giữ ấm cho bé.
- Nhiệt độ trong phòng ngủ của bé không được quá lạnh khi bé ngủ. Nếu bạn có sử dụng máy lạnh, không được điều chỉnh nhiệt độ phòng dưới 27 độ C và không để cho luồn không khí lạnh từ máy hướng thẳng vào người bé. Nếu bị lạnh quá bé có thể bị tuột thân nhiệt rất nguy hiểm đến tính mạng. Tốt nhất là nên để bé ngủ trong một căn phòng thoáng khí và yên tĩnh là được, không cần sử dụng đến máy lạnh.
- Không ủ bé quá nhiều và chặt cứng đến nỗi bé không thể thở được. Tráng quấn bé quá kỹ bằng nhiều lớp khăn, không đắp bé bằng chăn lông quá dày hay mặc quá nhiều lớp quần áo để ủ ấm bé.
- Không hút thuốc khi ở gần bé hoặc không cho phép ai đó hút thuốc gần bé vì khói thuốc rất nguy hiểm và có thể làm bé bị ngạt.
- Nếu bé ngủ chung với bố mẹ thì nên để ý kẻo người lớn có thể ngủ quên mà đè lên bé. Vào ban đêm trong khi bé bú ngủ, bạn chớ nên ngủ quên vì vú bạn có thể làm bé ngạt thở. Tốt nhất nên cho bé bú xong, rút vú ra, cho bé ợ hơi và sau đó mẹ con cùng ngủ.
2. Cách tắm cho bé
Tốt nhất nên tắm bé mỗi ngày một lần để giữ vệ sinh cho bé. Nếu bé có da khô có thể tắm bé hai ngày một lần, những ngày không tắm cũng nên lau rửa bé bằng khăn sạch và nhất là phải giữ cho bộ phận sinh dục của bé luôn sạch sẽ.
Da bé lúc này còn quá mỏng manh và cũng không có gì là bẩn nên bạn không cần phải sử dụng sữa tắm hay xà bông cho bé mà chỉ cần tắm bé bằng nước ấm và sạch là đủ. Khi pha nước nóng nhớ dùng tay bạn kiểm tra xem nước có quá nóng hay không, để tránh làm bé bị bỏng.
Bạn chỉ được sử dụng nước sạch để lau mặt bé, không được dùng xà bông hay sữa tắm. Lau mắt bé nhẹ nhàng khi mắt bé nhắm lại và lau kỹ ghèn ở góc mắt của bé, có thể sử dụng một góc khăn mặt để thực hiện. Dùng khăn để lau chùi tai bé, không dùng tăm bông.
Bạn cũng nên nhớ gội đầu cho bé trong những lần tắm. Dùng một chiếc khăn sữa nhúng vào nước và nhẹ nhàng lau đầu bé với chiếc khăn còn sũng nước đó, lặp lại nhiều lần cho đến khi đầu bé sạch sẽ. Dùng một chiếc lược mềm chải đầu cho bé sau khi tắm gội để cho lớp gây trên đầu bé bong tróc dần đi, tránh cào xước quá mạnh có thể gây chảy máu và làm đau bé, thậm chí nhiễm trùng.
Nên tắm bé trong phòng kín gió, nếu bé quá nhỏ có thể tắm bé trong phòng ngủ để kín gió.
Các bước tắm cho bé
Bạn cần chuẩn bị:
- Hai thau nước ấm sạch, mực nước vừa phải, không quá nhiều.
- Hai cái khăn lông nhỏ, một khăn sữa. Bạn trải hai khăn lông sẵn trên giường.
- Một bộ đồ ấm để bé mặc sau khi tắm.
- Vớ tay và vớ chân của bé.
- Dầu khuynh diệp.
- Một chiếc tả giấy.
- Bông gòn ướt cắt miếng độ khoảng hai ngón tay.
- Lược mềm để chải đầu bé.
Khi tắm cho bé
- Lau mặt cho bé: Bước đầu tiên khi tiến hành tắm cho bé, bạn ngồi bên cạnh hai thau nước tắm, quần áo bé vẫn giữ nguyên không cởi, đặt bé nằm gọn trong lòng Bạn, đầu bé nằm trên một bàn tay của bạn. Bạn dùng tay còn lại nhúng khăn sữa vào thau nước đầu tiên, vắt hơi khô và nhẹ nhàng lau mặt bé thật sạch sẽ, nhớ lau sạch cả hai khoé mắt bé.
- Gội đầu cho bé: Nâng đầu bé lên phía trên thau nước (người bé vẫn nằm trong lòng bạn), dùng tay không thuận năng trọn đầu bé trong lòng bàn tay, tay kia dùng khăn sữa nhúng nước lau đầu bé như đã hướng dẫn trên và sau đó vắt khô khăn sữa lau đầu bé lại cho khô. Tránh dùng ca múc nước xối lên đầu bé, vì bé có thể giật mình sợ hãi và nước có thể tràn vào mắt mũi bé nếu bạn sơ ý gây sặc nước.
- Tắm thân cho bé: Cởi quần áo bé ra và nhẹ nhàng đặt bé vào thau nước sao cho bé có tư thế nửa nằm nửa ngồi trong thau nước, đầu bé tựa lên một cánh tay của bạn và cánh tay này cũng được vòng qua ngang vai bé với bàn tay giữ chặt nách và cánh tay bên ngoài của bé. Tay còn lại dùng khăn sữa nhẹ nhàng khoát nước lên rửa sạch người bé, nên lưu ý rửa sạch cả phần cổ bé, các kẽ ngón tay và hai nách bé, đừng làm ướt rốn bé nếu rốn bé chưa rụng và khô lại. Sau đó, rửa sạch bộ phận sinh dục của bé (nếu là bé gái chỉ rửa bộ phận sinh dục bên ngoài mà thôi, tránh lau rửa bên trong), tiếp đến nhẹ nhàng kỳ cọ hai chân bé.
- Chuyển bé qua thau nước sạch thứ hai và khoát nước tráng lại người bé cho sạch.
- Sau khi tắm gội cho bé xong, bạn nên nhanh chóng đặt bé lên khăn tắm đã trải sẵn trên giường và ủ bé lại cho ấm, lau khô hết người bé và dùng cái khăn tắm còn lại lau lại một lần nữa cho bé thật khô ráo. Bạn nhớ lau chùi cho tai bé khô nữa nhé và nhẹ nhàng lau hai cửa lổ mũi bé cho khô sạch.
Sau khi tắm xong cho trẻ, bạn nên
- Lấy miếng bông gòn ướt lau chùi bộ phận sinh dục bé (nếu là bé gái).
- Làm vệ sinh rốn cho bé (nếu bé chưa rụng rốn) theo hướng dẫn ở bài viết trước đây
- Mặc quần áo ấm cho bé, mang vớ tay vớ chân cho bé.
- Thoa dầu khuynh diệp vào hai lòng bàn tay bạn, xoa nhẹ tay với dầu lên đỉnh đầu và hai lòng bàn chân, đừng quên thoa một ít vào lưng bé nữa nhé.
- Nhẹ nhàng chải đầu cho bé.
- Sau khi tắm nên cho bé ở trong phòng kín độ 30 phút và tránh gió lùa. Không nên ngâm mình bé trong nước quá lâu bé sẽ bị cảm, đối với bé ở hai tuần tuổi mỗi lần tắm cho bé chỉ cần 7 đến 10 phút là đủ vì bé không quá dơ lắm đâu.
3. Chăm sóc tới việc tiêu tiểu và vấn đề tả lót cho bé:
Hầu hết các bé đều phải rặn mỗi khi đi cầu. Miễn phân bé mềm là được, không có gì là đáng lo lắng cả. Nhưng nếu phân bé rắn có nghĩa là bé bị táo bón, khi đó Bạn cần đến sự giúp đỡ của Bác Sĩ và những người thân.
Lưu ý khi thay tã cho trẻ
- Bé nên được thay từ 6 đến 8 cái tả mỗi ngày để tránh hăm tã.
- Bé có thể đi cầu ngày một lần và thường diễn ra ngay sau cữ bú của bé.
- Phân của bé trông khá hơn những ngày vừa mới sinh, có màu vàng xanh, ít nhớt hơn và mềm hoặc hơi lỏng.
- Thường xuyên thay tã cho bé nhất là ngay sau khi bé đi cầu để tránh hăm tã cho bé. Khi thay tã phải lau sạch sẽ bộ phận sinh dục, hậu môn, các kẽ bẹn và hai mông bé, sau đó thoa phấn dành cho bé và mặc tã mới vào.
- Nếu bé bị hăm tã, bạn phải vệ sinh sạch sẽ phần dưới của bé bằng nước và sữa tắm, sau đó để hở phần dưới không mặc tả cho thoáng khí và khô ráo. Lúc này có thể bạn không sử dụng tả giấy trong vài ngày và thay thế bằng tả vải.
- Nếu là bé gái, bạn nên lau từ trước ra sau, chất nhầy màu trắng tiết ra từ âm đạo bé gái trong những ngày đầu sau khi sanh là hoàn toàn bình thường.
- Đối với bé trai, bạn cần rửa và lau chùi sạch sẽ chim bé mỗi ngày. Ngoài ra, không chà xát mạnh và không kéo ngược bao quy đầu trên dương vật bé.
4. Trang phục dành cho bé
Bé mới chào đời, việc mặc gì cho bé cũng cần được chú ý để luôn giữ được thân nhiệt cho trẻ. Hãy thay đổi trang phục cho bé tùy theo mùa. Nếu trời lạnh bạn nên cho bé mặc quần áo bằng vải dày (nhưng phải rút mồ hôi), và khi ra ngoài trời phải có áo len dày (áo len có mũ đi cùng là tốt nhất), chân phải mang tất để giữ ấm, tay bé đeo vớ tay (Bạn nên lưu ý các sơi chỉ thừa bên trong vớ tay, nó có thể kẹt vào ngón tay bé và nó có thể làm cho bé đau). Bạn hãy lộn ngược các vớ tay, vớ chân ra và cắt đi hết các sợi chỉ thừa bên trong ngay sau khi mua về sử dụng cho bé.
Tuy nhiên nếu bạn ủ ấm bé bằng quá nhiều quần áo dày và chăn bông có thể khiến bé bị tăng thân nhiệt và quấy khóc do nóng bức. Hãy sờ vào ót sau cổ bé để có thể biết được bé quá nóng hay bị quá lạnh (nếu ót bé quá nóng mà không ra mồ hôi có nghĩa là bé bị quá lạnh, còn nếu ót bé quá nóng mà đổ đầm đìa mồ hôi có nghĩa là bé đang bị ủ nóng quá mức.)
Nguồn: Tổng hợp
hong đã bình luận
con em moi mot thang tuoi, 3 ngay nay be khong di dai tien roi, phai lam sao day?