1. Bắt đầu cho con bú từ 30 phút – một giờ sau sinh
Nếu như bạn sinh em bé thường thì có thể cho con bú ngay trong vòng 30 phút đến một giờ sau sinh. Nếu bạn sinh mổ, thời gian bắt đầu khoảng sau sáu giờ vì bạn phải hồi phục sau tác dụng của thuốc mê. Trường hợp gây tê để mổ thì thời gian ngắn hơn.
Đa số các mẹ thường chờ “sữa xuống” tức là 1-2 ngày sau sinh mới cho bú. Đây là quan niệm sai lầm và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ bởi bú muộn, trẻ không nhận được sữa non. Trong sữa non có nhiều sinh tố A chống bệnh khô mắt, nhiều kháng thể giúp bé chống nhiễm khuẩn và dị ứng, giúp bé đỡ vàng da. Ngược lại, cho trẻ bú muộn, sẽ làm chậm sự tiết sữa của mẹ. Động tác mút vú mẹ sẽ kích thích sự tiết oxytocin ở não mẹ. Đó là chất làm cho sữa trong vú chảy ra, đồng thời cũng có tác dụng làm co cơ tử cung giúp ngưng chảy máu sau sinh.
Ngoài ra, bạn nên tích cực ăn uống hằng ngày và sữa của bạn sẽ về trong một vài ngày tới.
2. Bế con bạn ở vị trí thích hợp khi cho bú
Bạn nên chú ý để đầu và thân bé trên cùng một đường thẳng, bụng bé áp sát với bụng mẹ. Mặt bé đối diện với vú, môi đối diện với núm vú. Sau đó, đỡ đầu, thân và mông bé.
Nếu như bạn nhận thấy có những dấu hiệu sau thì chứng tỏ bé đã bắt đầu ngậm bắt vú tốt và bạn đã bế con bú ở vị trí đúng cách:
- Miệng bé mở rộng
- Cằm bé chạm vào vú mẹ
- Môi dưới đưa ra ngoài.
- Bé ngậm cả quầng vú, quầng vú còn lại ở phía trên miệng bé nhiều hơn ở phía dưới.
- Má bé phồng ra
- Khi bú đúng, bé sẽ mút chậm, sâu, thỉnh thoảng ngừng lại và bạn có thể nghe tiếng nuốt “ực” của bé.
Khi cho bé bú ở vị trí thích hợp, trẻ vừa cảm thấy thoải mái khi bú lại vừa giúp giảm thiểu đau nhức núm vú cho mẹ.
3. Cho con bú theo giờ
Sai khi sinh, bạn nên cho con bú càng sớm càng tốt. Tuy lượng sữa lúc đó chỉ rất ít nhưng việc cho con bú lúc đó sẽ giúp vú của bạn được kích thích để sản xuất hiều sữa hơn.
Trong vài tuần đầu tiên sau sinh, bạn có thể cho con bú từ 8-12 lần/ngày. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian đó, tùy theo cách nhận biết của bạn với thói quen đòi ăn của trẻ mà bạn có thể cho em bú nhiều hơn hay ít lần hơn trong ngày.
4. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn không cần ăn bổ sung bất cứ thứ gì khác
Ngoài sữa mẹ, những tháng đầu sau sinh, bạn không nên cho trẻ ăn bất cứ loại thức ăn bổ sung khác như sữa bột, nước đường, nước cam thảo… Các thức uống này dễ nhiễm khuẩn, khiến trẻ dễ mắc tiêu chảy. Nước cam thảo làm xuất tiết nhiều đàm nhớt nên dễ làm trẻ nghẹt thở.
Khi ăn thức ăn bổ sung khác ngoài sữa mẹ, trẻ dễ hình thành khả năng không dung nạp chất protein trong sữa mẹ nên dễ bị dị ứng, chàm. Trẻ sẽ mất cảm giác thích thú sữa mẹ vì không còn cảm thấy đói. Điều này sẽ khiến bạn dần dà không tiết ra sữa và dẫn đến mất sữa.
5. Nói không với núm vú nhân tạo
Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng với trẻ trong thời kỳ sơ sinh. Nếu muốn cho trẻ làm quen với núm vú nhân tạo, bạn nên chờ đợi ít nhất sau ngày đầy tháng của trẻ.
Núm vú nhân tạo đòi hỏi phải có những hạnh động hút, bú khác với khi trẻ bú mẹ tự nhiên. Điều này sẽ gây khó khăn cho trẻ trong việc ngậm bắt vú mẹ sau này. Trẻ không mút vú tốt sẽ làm mẹ bị căng tức vú, gây cho mẹ gặp nhiều khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ và dễ dẫn đến việc ngừng cho con bú sớm.
6. Thời gian bú trung bình từ 10-20phút
Nếu bé bú chậm thì cũng chỉ ngừng cho bú khi bé muốn ngừng, không ngừng sớm vì bé sẽ không nhận đủ sữa. Mẹ nên thường xuyên cho bú và nên cho bú đêm, nếu bé đòi, vì sữa xuống nhiều và nhanh hơn.
Bạn cũng nên cho trẻ bú hết vú này rồi hãy cho bú sang vú kia. Không nên cho bú một nửa vú này rồi một nửa vú kia vì như vậy bé sẽ không nhận được sữa cuối. Sữa cuối giàu chất béo giúp trẻ mau lớn. Ngoài ra, lượng sữa còn tồn đọng trong vú sẽ ức chế, ngăn cản sự tạo sữa. Nếu bé bú không hết bầu sữa thì mẹ phải vắt hết sữa để tiếp tục tạo sữa.
7. Chăm sóc núm vú của bạn khỏe mạnh, sạch sẽ
Trước và sau khi cho bé bú, bạn có thể dùng khăn mềm và nước ấm để vệ sinh vú. Mỗi khi cho trẻ bú xong, bạn hãy nhớ rửa sạch ngay sau đó hoặc sau mỗi lần tắm. Sau đó lau núm vú cho thật khô. Tuyệt đối, không nên bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch diệt khuẩn trên vùng ngực, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú.
Hãy nhỏ một vài giọt sữa mẹ và xoa lên quầng vú sau đó để tự khô. Nếu bạn thấy vùng này da quá khô và bị nứt, thì nên xoa kem có tỷ lệ lanolin cao xung quanh vùng quầng vú và núm vú.
Bạn hãy để cho núm vú của mình được tiếp xúc nhiều với không khí. Việc dùng miếng lót sữa và áo lót ngực bằng sợi tổng hợp sẽ gây thoát khí kém. Tốt nhất là bạn hãy chọn cho mình một cái áo lót thoải mái riêng để cho bú, cả ngày lẫn đêm trong những tuần đầu. Một cái áo lót quá chật có thể làm tắc các ống dẫn sữa.
8. Đi khám bác sĩ để theo dõi
Bác sĩ hoặc bà đỡ của bạn sẽ là những người nhìn thấy em bé của bạn trong tuần đầu tiên sau sinh. Điều này sẽ cung cấp cho bạn một cơ hội để có thể hỏi và nhận được câu trả lời mà bạn có thể cần trong việc chăm sóc em bé. Hãy gọi cho họ trong thời gian đó, nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm hoặc câu hỏi nào về việc cho con bú.
9. Chú ý đến những dấu hiệu trẻ đã bú đủ sữa?
- Bạn đã cho trẻ bú từ 10-20 phút sau mỗi hai giờ đồng hồ.
- Trẻ có vẻ buồn ngủ sau một thời gian cho bú
- Trẻ tè dầm ít nhất sáu chiếc tã/ngày
- Trẻ phải tăng cân. Hầu hết trẻ sẽ sút một vài lạng trong vài tuần đầu tiên sau khi sinh nhưng sau đó trẻ sẽ bắt đầu tăng cân trở lại.