Các vitamin và khoáng chất tuy cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ nhưng lại vô cùng cần thiết, không thể nào thay thế được, nhất là trong giai đoạn thai kỳ.
Xem thêm:
Can xi
Canxi là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của hệ xương và răng chắc khỏe cho thai nhi. Nhu cầu của bà bầu về canxi là 1200mg một ngày, cao hơn gấp rưỡi so với phụ nữ thông thường là 800mg một ngày.
Bà bầu không cung cấp đủ canxi có thể bị mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, tê chân, đau lưng, đau khớp, răng lung lay, chuột rút, hoặc có thể co giật do hạ canxi huyết quá mức. Nhiều trường hợp thiếu canxi nặng, bà bầu có thể co giật mặt, bàn tay co rúm, các ngón tay chụm lại giống như bàn tay người đỡ đẻ. Một hệ quả khác khi thiếu canxi là bà bầu rất dễ lên huyết áp. Khi thai nhi phát triển và cần canxi, cuống rốn của con sẽ tiết ra hoc môn cản trở việc tái hấp thu canxi vào xương trong cơ thể mẹ. Mẹ thiếu canxi trong máu sẽ làm cho hoc môn của tuyến cận giáp tăng lên, phôt pho trong xương được hòa tan vào máu, đồng thời canxi trong đường ruột được tăng cường hấp thu để giữ mức canxi trong máu. Khi nồng độ hoc môn tuyến cận giáp tăng cao, huyết áp sẽ gia tăng. Vì vậy bổ sung canxi đầy đủ sẽ giúp cho huyết áp ở mức bình thường. Ngoài ra, canxi được cung cấp đầy đủ cũng làm giảm sự nhạy cảm của mạch máu, giảm sự phản ứng của cơ trơn mạch máu, cũng là nguyên nhân giúp huyết áp được ổn định.
Thai nhi thiếu canxi sẽ bị suy dinh dưỡng ngay trong bụng mẹ, còi xương bẩm sinh, xương bị biến dạng gây ra dị tật, giảm chiều dài sơ sinh… Thai nhi thiếu canxi sẽ lấy lượng canxi trực tiếp từ chính cơ thể người mẹ, vì thế bổ sung đủ canxi sẽ ngừa được các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Canxi có thể tìm thấy được trong các nguồn thực phẩm như rau cải ngọt, rau dền, hạt vừng (mè), bột yến mạch, đậu phụ, hạnh nhân, đậu cove, sữa, trứng… Trong các loại rau xanh và các loại đậu đỗ tuy cũng là nguồn can xi, nhưng can xi trong các loại thực phẩm này dễ bị tương tác với acid oxalic và các loại acid hữu cơ vốn có trong các thực phẩm nguồn thực vật tạo ra những hợp chất canxi khó hòa tan. Vì vậy, việc ăn uống đầy đủ với thức ăn đa dạng, nhiều rau, củ, quả, không quá kiêng khem, chọn lựa thức ăn có nhiều can xi cho bà mẹ mang thai là điều cần thiết hoặc có thể uống bổ sung can xi để tránh tình trạng thiếu can xi cho cả mẹ và thai nhi.
Sắt
Đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Sắt được tìm thấy trong các loại thực phẩm như thịt đỏ, trứng, trong các loại đậu đỗ, vừng lạc, rau củ có màu xanh đậm. Vitamin C và chất đạm sẽ làm tăng khả năng hấp thu sắt. Tannin và phytat ngược lại sẽ làm giảm hấp thu sắt.
Khẩu phần ăn hằng ngày đa số không đáp ứng đủ nhu cầu sắt của phụ nữ mang thai. Vì vậy các bác sĩ thường kê cho các sản phụ những viên uống bổ sung hoặc các viên thuốc bổ bà bầu đã được tích hợp sẵn lượng sắt. Thiếu sắt sẽ làm ảnh hưởng đến mức tăng cân bà bầu, cân nặng của trẻ và tăng nguy cơ biến chứng sản khoa.
Kẽm
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao và tăng cường hệ miễn dịch cho thai nhi. Thiếu kẽm dễ gây ra tình trạng sẩy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết lưu gần ngày sinh… Kẽm được tìm thấy trong ngũ cốc, mầm lúa mì, hạt bí ngô, hạt vừng, thịt, hạt bí, trái bơ, trái lựu, đậu Hà Lan, đậu xanh, ngô, sô cô la đen, rau chân vịt, nấm,…
Iod
Thiếu Iod là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, đối với trẻ thiếu iod khi sinh ra có thể bị đần độn, não tổn thương, có các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, nói ngọng, câm điếc, mắt lác. Tuy nhiên nếu bổ sung quá dư thừa iod cũng sẽ gây ra những nguy hại đối với thai nhi.
Vitamin A
Ngoài các tác dụng như sáng mắt, tăng đề kháng, còn có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng giúp trẻ có chiều cao tối ưu theo tiềm năng di truyền. Thiếu vitamin A sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong, gây khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Chế độ ăn của phụ nữ có thai cần đảm bảo đủ nhu cầu vitamin A trong suốt thời gian mang thai. Sau khi sinh, người mẹ cần đủ nhu cầu vitamin A để cung cấp vitamin A cho trẻ qua sữa mẹ. Sữa, trứng… là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng hấp thu và dự trữ trong cơ thể. Các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ, là những thức ăn có nhiều beta caroten vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A. Chế độ ăn đủ chất béo sẽ giúp tăng hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo khác như vitamin D, E, K. Tuyệt đối không uống vitamin A liều cao (200.000IU) trong thai kỳ vì có thể gây dị dạng thai nhi.
Vitamin D
Vai trò của vitamin D là giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng như canxi, phốt pho vào cơ thể. Thiếu vitamin D trẻ sẽ dễ bị còi xương hay thóp sẽ lâu liền. Bà bầu có thể bổ sung vitamin D bằng cách tắm nắng khoảng 20 đến 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra các thực phẩm giàu vitamin D là phomat, cá, trứng, sữa…
Vitamin B1
Là yếu tố cần thiết để chuyển hóa glucid. Ngũ cốc và các loại hạt họ đậu là nguồn cung cấp vitamin B1. Để có đủ vitamin B1 nên ăn gạo không giã trắng quá, không bị mục, mốc. Ăn nhiều đậu đỗ là cách tốt nhất để bổ sung đủ vitamin B1 cho nhu cầu của cơ thể và chống lại bệnh tê phù.
Vitamin B2
Vitamin B2 là nguồn năng lượng, thúc đẩy sự phát triển của thai. Vitamin B2 còn tham gia vào cấu tạo tế bạo thị giắc, tế bào da, máu, rất quan trọng trong sự phát triển xương, cơ, tế bào thần kinh.
Các loại thực phẩm giàu vitamin B2 là sữa, các loại rau xanh, đậu, ngũ cốc,…
Acid folic
Tham gia tạo máu và hình thành ống thần kinh. Thiếu acid folic ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu máu, khiếm tật của ống thần kinh ở thai nhi. Nguồn cung cấp acid folic có nhiều trong các trái cây, rau xanh, trứng nhưng trong khẩu phần thường không đủ, vì vậy người mẹ cần được bổ sung khi mang thai.
Vitamin C
Có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C có nhiều
trong các quả chín. Rau xanh có nhiều vitamin C nhưng bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng.