(Lam me) – Cổ của bé đã chống đỡ được đầu nên bé thích thú quan sát thế giới bên ngoài lắm!
Bé tháng thứ 4 có sự phát triển vượt trội về khả năng kiểm soát những cử động của đầu và các chi.
1. Não bộ của bé phát triển
Nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh rằng, những trải nghiệm sớm và nhận thức trong giai đoạn đầu đời sẽ là những viên gạch nền định hình cách suy nghĩ, học hỏi và sự phát triển trí tuệ của trẻ sau này.
Não bộ của bé lúc mới chào đời có 100 tỉ tế bào. Những tế bào này sẽ được kết nối với nhau thành một mạng lưới như não người trưởng thành. Trước khi lên 3, não bé sẽ hình thành được khoảng 1 triệu tỉ kết nối. Những kết nối này được xây dựng dựa trên những sở thích, khám phá và quá trình bé học hỏi về thế giới xung quanh.
Những trải nghiệm sớm trong giai đoạn đầu đời giúp định hình suy nghĩ của bé. (Ảnh minh họa).
2. Hiểu trò chơi quen thuộc
Thông qua nét mặt, ánh mặt và thái độ của mẹ, bé sẽ học được rất nhiều điều đấy. Khi bé đập vào một món đồ chơi hoặc với, lắc chiếc lục lạc thì những kết nối trong não bộ sẽ được hình thành. Thật khó tin, những kết nối này sẽ giúp bé một ngày kia ném bóng rổ chuẩn xác hay giải quyết nhanh và chính xác các bài toán số học hoặc chơi guitar ‘lành nghề’.
Rõ ràng, bé sẽ học được rất nhiều điều lý thú qua những hành động mà mình yêu thích. Nếu bé thích nằm ngửa và chạm vào đồ chơi, hãy nằm cạnh ê a, ‘buôn chuyện’ với bé. Nếu bé thích được ôm ấp, hãy nhẹ vòng tay ôm bé và tả lại những điều thú vị của cuộc sống bên ngoài qua lăng kính của bạn. Hẳn bé sẽ thích mê!
Khuyến khích phát triển những mối quan tâm, sở thích của bé ngay từ những năm đầu đời, là bạn đang ‘ươm mầm’ tài năng của bé.
3. Massage 101
Vuốt ve là cách đơn giản nhưng cực hiệu quả giúp não bé phát triển sớm, đồng thời tình phụ tử/mẫu tử thêm keo sơn. Ôm ấp hay xoa đầu bé khi bé buồn ngủ là biện pháp làm giải phóng hormone có vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của bé.
Nghiên cứu cho thấy những em bé thường xuyên được massage tăng cân nhanh hơn và ngủ sâu hơn. Những bé thường được massage cũng tiết ra ít hơn hormone cortisol kìm hãm sự tăng trưởng và phát triển.
Vuốt ve là cách đơn giản nhưng cực hiệu quả giúp não bé phát triển sớm. (Ảnh minh họa).
4. Đọc sách cùng bé
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu đọc sách cùng bé. Hãy bắt đầu với những sách nhiều tranh ảnh, nhỏ gọn và cứng. Cách đọc sách của bé là sờ vào bìa, cố gắng lật trang sách, chăm chú nhìn bạn đọc và thậm chí là nếm thử sách.
Bé có thể chỉ quan tâm đến sách trong chốc lát, nhưng dù sao vẫn rất tốt cho sự phát triển. Giọng đọc lên trầm, xuống bổng của bạn thực sự thu hút, tạo ấn tượng đẹp trong lòng bé. Ngoài ra, việc chạm vào cuốn sách cũng là trải nghiệm quan trọng.
5. Kỹ năng vận động
Một vài nghiên cứu cho rằng bé biết lật muộn hơn do khi ngủ bé được đặt nằm ngửa để tránh chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Do đó, lúc bé thức, việc thỉnh thoảng đặt bé nằm sấp rất quan trọng, giúp cơ của bé khỏe hơn.
Trong tháng thứ 4, bé có một sự phát triển rất vượt trội về khả năng kiểm soát những cử động của đầu và các chi. Sau khi bé lật lại nằm sấp, bé có thể nâng đầu lên, chống đỡ bằng hai cánh tay để nâng ngực lên và quay đầu. Bé sẽ giữ yên ở tư thế này trong giây lát.
Chân của bé thẳng ra hơn sau mỗi tuần trôi qua. Bé có thể duỗi thẳng chân ra khi được ẵm lên, và bé cố gắng nhấn bàn chân xuống bề mặt phẳng.
Cơ thể của bé đang dần tập trung nhiều sức mạnh ở cổ. Bây giờ cổ đã chống đỡ được đầu nên bé có thể quan sát thêm thế giới bên ngoài. Bé vẫn còn cần bố mẹ đỡ sau lưng khi bé ngồi, nhưng bé đang cố gắng học cách để điều khiển được đầu của mình.
Trong khi chân và cổ của bé đang phát triển và trở nên mạnh hơn thì cánh tay của bé cũng vậy. Bé thích vẫy cả hai cánh tay cùng một lúc, huơ hai cánh tay lên xuống, nhưng bây giờ bé đang luyện tập để điều khiển những hành động chính xác hơn.
6. Răng bắt đầu nhú
Những chiếc răng đầu tiên của bé đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chiếc mầm răng đầu tiên có thể xuất hiện trong tháng này.
Các dấu hiệu mọc răng gồm:
- Chảy nước dãi (có thể xuất hiện nhiều tuần trước khi răng nhú ra).
- Mặt bị nổi mẩn đỏ do chảy nước dãi quá nhiều.
- Cho đồ vào miệng gặm vì nướu bị ngứa.
- Khó chịu (thường vào nửa đêm).
- Không chịu bú.
- Kéo tai hoặc xoa lên má vì đau.
- Đi tướt.