Bạn đừng quá ngạc nhiên khi thấy da của bé có màu khác lạ.
Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, bạn vỡ òa niềm vui khi bế trên tay hình hài bé nhỏ của con. Nhìn con đỏ hỏn, mắt nhắm tịt, bạn thấy yêu thương tràn về, lòng rưng rưng và hạnh phúc ngọt ngào lan tỏa. Tuy nhiên, hãy xác định tâm lý đi nhé! Vì cuộc sống chật chội trong bụng mẹ đôi khi để lại một số dấu ấn trên cơ thể bé, có thể khiến cha mẹ giật mình khi nhìn thấy đấy.
Cùng Eva trang bị cho mình những hiểu biết về sự phát triển của bé sơ sinh theo từng tháng tuổi, để chăm sóc và nuôi dưỡng bé tốt hơn nhé!
Da
Bạn đừng quá ngạc nhiên khi thấy da của bé có màu ‘khác lạ’, không giống với hình dung của bạn khi xem trên tivi hay tạp chí. Có bé da sẽ ửng hồng, có bé da hơi đỏ và có thể có những vết lấm tấm trên da. Gần như da của bé sơ sinh nào cũng nhăn nheo và đóng vảy ở một vài chỗ. Vài giờ sau sinh, bàn tay và chân của bé có thể hơi xanh do hệ tuần hoàn của bé chưa hoàn thiện.
Một số ‘dấu vết’ khác trên da của bé, có thể gây chú ý cho bạn là những nốt nhỏ (mụn kê) quanh mũi và cằm, hoặc lớp lông tơ phủ kín vùng cổ, vai và lưng của bé.
Lớp lông tơ phủ kín vùng cổ, vai và lưng của bé có thể khiến bạn chú ý. (Ảnh minh họa).
Đầu và mặt
Bé thoát khỏi cuộc sống chật chội trong bụng mẹ bằng đường ra rất hẹp, vì thế, đầu bé có thể không tròn hay hơi sưng một chút. Khuôn mặt của bé cũng có thể bị ảnh hưởng, mắt hoặc mí mắt của bé có thể sưng lên, mũi và tai bị ‘biến dạng’ nhìn khá ngộ nghĩnh. Nếu tóc bé thưa, bạn có thể nhìn thấy cả mạch đập của thóp bé.
Tóc và mắt
Khá nhiều bé sơ sinh chào đời với mái tóc rậm, nhưng lớp tóc đó sẽ được thay thế sau khoảng 3 – 4 tháng và có thể lớp tóc mới mọc sẽ có màu hoàn toàn khác so với màu tóc lúc bé mới sinh.
Màu mắt của bé cũng thay đổi trong vòng 1 năm đầu tiên. Thông thường, bé người Châu Âu có mắt màu xanh, trong khi đó những bé người châu Á hoặc châu Phi có mắt đen hoặc nâu. Bạn cũng có thể tiên đoán màu mắt vĩnh viễn của bé khi bé được 6 tháng tuổi.
Rốn
Ngay sau khi bé chào đời, bác sĩ sẽ cắt dây rốn cách bụng bé khoảng 2,5cm (1inch). Rốn là môi trường tốt để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, gây tổn hại sức khỏe của bé. Do vậy, bạn cần phải đặc biệt lưu ý việc vệ sinh rốn đúng và sạch cho bé.
Âm thanh và hình ảnh
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, ngay từ khi còn ‘cư trú’ trong bụng mẹ, bé đã có thể nghe thấy thanh âm mẹ phát ra và có phản ứng với nó. Vì vậy, khi chào đời, phía có tiếng nói mẹ sẽ thu hút sự chú ý của bé.
Vài ngày đầu sau sinh, mắt bé gần như là nhắm suốt nhưng không lâu sau bé sẽ mở mắt lâu hơn. Đặc biệt, bé cũng dễ bị thu hút bởi những hình tương phản hoặc khối tròn. Trong tháng đầu đời, bé có thể nhìn thấy đồ vật cách xa 8 – 10inch (20cm – 25cm)
Phản xạ
Mới chào đời bé đã có những bản năng sinh tồn như lần tìm ti mẹ. Hoặc nếu bị giật mình, bé sẽ giang rộng tay. Đặc biệt, khi bạn đặt vật gì vào tay bé, bé sẽ nắm rất chặt, nếu bạn còn chưa tin thì cứ thử cho bé cầm ngón tay của bạn xem sao nhé!
Tã
Khi thay tã cho bé, hãy tranh thủ cơ hội để thắt chặt tình mẫu tử/phụ tử bằng việc ê a nói chuyện hoặc hát cho bé nghe để bé cảm thấy thư giãn hơn.
Tiếng khóc
Dù đã đọc rất nhiều sách dạy làm cha mẹ hay ‘lên dây cót’ tinh thần thế nào thì việc bé khóc cũng sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Tiếng khóc chính là một phương tiện để bé nhắn nhủ sự khó chịu đến cha mẹ. Vì vậy, khi bé quấy khóc, bạn cần chú ý và list lại xem:
- Bạn cho bé bú lần gần nhất khi nào?
- Liệu đã đến giờ thay tã cho bé? Hay tã của bé bị ướt?
- Bé đầy hơi và cần sự trợ giúp của bạn?
- Đến giờ bé đi ngủ?
- Xung quanh quá nhiều tiếng ồn?