Là mẹ, ai cũng muốn làm những điều tốt nhất cho con mình. Lựa chọn phương pháp ăn dặm này hay phương pháp ăn dặm khác, Tây hay Ta, Nhật hay Việt, truyền thống hay hiện đại… đều không phải do mẹ lười, mẹ chăm, mẹ thiếu hiểu biết hay mẹ hiểu biết. Mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Điều quan trọng là, bằng cảm nhận của một người mẹ, ta sẽ tìm ra phương pháp ăn dặm phù hợp nhất cho con yêu của mình.
Ăn dặm truyền thống (ADTT)
Nhiều ý kiến cho rằng phương pháp ADTT không còn phù hợp với ngày nay. Thực tế không hẳn như vậy. Mỗi năm vẫn có hàng triệu trẻ em Việt Nam đến tuổi ăn dặm được các bà các mẹ cho ăn theo phương pháp này. Từ việc quấy bột cho con, xay chung thức ăn rau củ, thịt thà đến nhuyễn rồi khi trẻ mọc răng sẽ chuyển sang ăn cháo dần. Thức ăn kèm vẫn được cho vào chung với cháo thành một bát đủ dinh dưỡng.
Một số lỗi trong cách ADTT có thể khiến nhiều bà mẹ ngày nay “tẩy chay” phương pháp này đó là: Vì trẻ ăn nhuyễn nhiều nên khả năng ăn thô kém, đôi khi đã 2 tuổi vẫn phải ăn cơm nhá, rất mất vệ sinh hay như việc ninh xương nấu cháo cho trẻ, cho bé đi ăn rong, vừa ăn vừa hò hét, nhảy múa… Nấu chung nguyên liệu sẽ khiến bé khó cảm nhận mùi vị, từ đó sinh chán ăn, biếng ăn, kén chọn thực phẩm sau này.
Tuy nhiên, ADTT có hai ưu điểm lớn: Một là dạ dày của bé sẽ không phải làm việc ‘quá tải’ sớm và hai là phương pháp này rất phù hợp cho những mẹ bận rộn và không có thời gian chế biến cầu kì.
Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN)
- Cho bé ăn thô đúng thời điểm: Trẻ ADKN bắt đầu làm quen với thức ăn ngay bằng cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột. Sau này, độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi. Các loại thức ăn khác như rau, thịt cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp.
- Ăn riêng từng loại thức ăn: Khác với ADTT, một khay thức ăn của trẻ ADKN bao giờ cũng đủ ba nhóm thực phẩm: Tinh bột, vitamin và chất đạm theo tiêu chuẩn “vàng – đỏ – xanh”. Những loại thực phẩm này được chế biến riêng biệt và không trộn lẫn.
- Để trẻ tập ăn nhạt, ăn dò từng loại thực phẩm từ rau củ đến thịt cá để làm quen dần.
- Tinh thần của ADKN: Cho bé ăn trên ghế, không ăn rong, bật tivi. Khi trẻ không ăn nữa, tuyệt đối không thúc ép nhồi nhét.
Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của phương pháp ADKN đó là trẻ sẽ có khả năng ăn thô sớm hơn rất nhiều so với các bé theo phương pháp ADTT. Thêm vào đó, việc ăn riêng từng loại thức ăn sẽ giúp bé làm quen tốt hơn với mùi vị của từng loại thực phẩm, không bị “hổ lốn” hỗn hợp, không nảy sinh tâm lý ngán ăn. Ăn nhạt sẽ tốt hơn cho thận của trẻ. Và một điều quan trong nhất: đó chính là tinh thần “kiểu Nhật”: Không thúc ép trẻ ăn, không tạo tâm lý sợ hãi khi ăn uống. Thiết lập cho bé thói quen ngồi ăn ngay từ tấm bé giúp trẻ ăn nhanh và tập trung hơn.
Tuy nhiên, để cho bé theo hoàn toàn phương pháp ADKN, mẹ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức giai đoạn đầu. Chuẩn bị cho con từng món ăn riêng biệt, chế biến và bảo quản thường rất lích kích.
Tại Nhật Bản, mỗi khi một người phụ nữ sinh con, họ thường nghỉ hẳn việc và ở nhà toàn tâm toàn ý chăm sóc đứa trẻ. Xã hội Nhật rất coi trọng việc mẹ chăm con và đề cao mối dây liên kết mẹ – con này. Mẹ Nhật luôn có thời gian và rất cầu kì trong việc ăn uống của con. Nếu xác định cho em bé của bạn ăn dặm theo phương pháp ADKN, mẹ Việt cần xác định và thu xếp tư tưởng cũng như thời gian biểu hợp lý.
Ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW)
Ăn cùng bé, cùng lúc, cùng bàn là tinh thần chính của phương pháp ăn dặm này. Không có quấy bột, cũng không có cháo loãng. Trẻ ăn ặn theo phương pháp BLW sẽ tự ăn và ăn thô y như người lớn ngay từ lần ăn dặm đầu tiên. Không lo việc trẻ không răng sẽ không nhai nhá được gì. Con hoàn toàn có thể dùng lợi để nghiền thức ăn. Mặt khác, trẻ giai đoạn này sữa vẫn là thức ăn chính. Do đó ăn dặm chỉ để bé làm quen với các loại thực phẩm. Mẹ cho con ăn dặm theo BLW thường không quá chú trọng vào việc ban đầu con ăn được bao nhiêu mà tập trung vào việc dạy bé tập nhai.
Đặc điểm thứ hai cực “lạ” của BLW, đó là không thìa, không xúc, không bát đũa. Mẹ sẽ chuẩn bị cho con những thức ăn nguyên miếng được hầm mềm như: Vài miếng cà rốt, súp lơ, cơm nát nắm viên, lườn gà trắng xé nhỏ, cá gỡ xương, miếng chuối, bơ, táo hấp mềm… và để thẳng trên mặt bàn ăn của trẻ. Bé sẽ ăn bốc, tự cầm tay những thức ăn mình yêu thích để cho vào miệng. “Baby leads” có nghĩa là để con tự chỉ huy, tự quyết định mình sẽ ăn gì.
Thời gian đầu, trẻ có thể sẽ không ăn, cầm ném thức ăn lung tung, thậm chí bóp nát, cho vào miệng mút rồi vứt…..Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian làm quen với thực phẩm, con sẽ tự hình thành phản xạ cắn, nhai rồi nuốt. Từ đó, tiến thẳng đến giai đoạn tự mình xúc thìa.