Trong trường hợp người mẹ không có sữa, người mẹ bị bệnh hoặc vì điều kiện không thể cho con bú thì phải cho con bú sữa bột. Tuy sữa bột không được như sữa mẹ nhưng hiện trên thị trường có nhiều chế phẩm sữa bột dành cho trẻ sơ sinh đã có nhiều cải tiến nên có thể yên tâm nuôi con bằng sữa bột chuyên dùng cho trẻ sơ sinh (khi điều kiện không cho phép bú sữa mẹ). Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn cách chuẩn bị và pha sữa bột sao cho tốt với bé.
Xem thêm: Cách nuôi dưỡng trẻ bằng sữa bột (phần 2)
Dụng cụ cần thiết để pha sữa bột
Chuẩn bị 4 – 6 chiếc bình bú sữa, gồm đầy đủ núm vú cao su và nắp đậy. Núm có thể làm bằng cao su hoặc silicon, cả hai loại này đều an toàn. Bạn có thể thay đổi các núm vú có kích cỡ lỗ to nhỏ khác nhau để chọn được loại mà bé thấy thích nhất.
Khử trùng mọi công cụ, vật dụng trên vì hệ miễn dịch của bé vẫn chưa đủ mạnh để chống lại một vài tác động lây nhiễm. Do đó, khử hẳn các vi khuẩn gây hại sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh của trẻ. Nếu bạn không sử dụng tủ lạnh hoặc nguồn nước nhà bạn không thật sự an toàn thì tốt nhất nên duy trì việc khử trùng dụng cụ này ngay cả khi bé lớn trên 6 tháng tuổi.
Cách pha chế sữa:
Đầu tiên hãy đun một ít nước sôi, dùng nước máy chảy từ vòi chứ không sử dụng các loại nước dự trữ trong thùng hay chậu để tránh mọi vi khuẩn hay các loại côn trùng xâm nhập. Bạn có thể đun bằng ấm điện hoặc đun sôi trực tiếp trên bếp. Không cần để sôi quá 30 giây. Để nước nguội tới nhiệt độ phòng, sau đó bắt đầu pha thêm sữa bột hay sữa tươi khác.
Chuẩn bị bình sữa cho bé:
Rót lượng nước đun sôi để nguội vào bình vừa đủ cần thiết.
Sử dụng đúng loại thìa múc sữa bột đã cho trong hộp sữa, cho số lượng thìa sữa bột đúng theo công thức vào bình.
Đóng chặt nắp bình, xoay bình sao cho lượng bột không bám núm vú cao su, sao đó lắc nhẹ để hòa tan hỗn hợp.
Nếu bạn chưa sử dụng ngay, cất bình sữa vào trong cùng của tủ lạnh nơi mát nhất, không để ở ngăn cánh của tủ. Tuy nhiên theo lời của các bác sỹ và các tư vấn về dinh dưỡng thì bạn chỉ nên pha sữa khi có nhu cầu sử dụng luôn chứ không nên pha sẵn từ trước rồi cất đi.
Hãy vứt bỏ mọi hỗn hợp pha chế đã trữ trong tủ lạnh quá 24h.
Một số lưu ý an toàn:
- Rửa tay sạch và vệ sinh bề mặt làm trước khi pha chế sữa cho bé.
- Cất hỗn hợp sữa trong vào tủ lạnh ngay khi bạn pha xong nếu như chưa có nhu cầu sử dụng.
- Tích trữ lượng sữa thừa lại trong bình để dùng sau có thể gây nguy hiểm do lượng sữa này có thể bị nhiễm khuẩn khi đã được sử dụng. Nên bỏ lượng sữa này đi nếu không được sử dụng tiếp trong vòng một giờ.
- Luôn kiểm tra hạn sử dụng trên vỏ sữa bột và vứt ngay nếu quá hạn. Một hộp sữa đã mở ra không nên sử dụng quá một tháng.
- Khi có nhu cầu mang sữa đi theo, cách an toàn nhất là bạn nên trữ nước sôi để nguội và lượng sữa bột cần thiết trong hai bình riêng rẽ, khi cần mới pha vào nhau.
- Nếu bạn muốn mang sữa đã pha chế đi thì phải giữ ở nhiệt độ đóng băng. Có thể thì sử dụng loại túi giữ ấm bình cho trẻ.
- Bạn tuyệt đối không để bé bú bình một mình và bỏ đi để chúng tự xoay sở. Sữa chảy quá nhanh sẽ khiến trẻ sặc sữa và hít dung dịch này vào phổi và có thể gây ngạt. Những trẻ bú bình kiểu này còn có nguy cơ mắc bệnh viêm tai và gây các khuyết tật cho bé. Tốt nhất, nên ẵm và vỗ về khi bé ăn, đồng thời trò chuyện với trẻ để chúng có thể hấp thụ và phát triển nhanh nhất.
Thu Hằng – YduocLH