Đột quỵ gây ra tử vong nhiều thứ 3 trên thế giới, sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Trung bình mỗi 6 giây có người chết vì đột quỵ. Bệnh diễn tiến đột ngột và để lại di chứng nặng nề, chi phí điều trị tốn kém, thời gian điều trị dai dẳng, tạo thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, việc phát hiện các dấu hiệu bệnh cũng như có kế hoạch phòng ngừa ngay từ bây giờ là điều vô cùng cần thiết.
Mục lục
Cảnh giác đột quỵ sau cơn thiếu máu não thoáng qua
Video mô tả tiến trình xảy ra đột quỵ
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường xảy ra vài phút nên người bệnh dễ chủ quan bỏ qua. Nhưng đó đã được xem là cơn đột quỵ nhẹ.
Cơn thiếu máu não thoáng qua là một dạng thiếu hụt máu ở hệ thần kinh kéo dài dưới 24 giờ, thường chỉ trong khoảng vài phút. Người từng bị thiếu máu não thoáng qua sẽ có nguy cơ đột quỵ cao.
Triệu chứng phổ biến nhất là người bệnh cảm thấy yếu ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Ngoài ra, các triệu chứng khác bao gồm: chóng mặt, nhìn một vật hóa hai, mất trí nhớ, tê liệt, khó nói và khó nuốt, ngứa ran, thay đổi thị lực và khó đi lại… Các triệu chứng này sẽ biến mất trong ít hơn 10 phút.
Nguyên nhân gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua là do tình trạng máu đông và ứ đọng trong động mạch, ngăn chặn dòng chảy của máu. Trong một số trường hợp, cơ thể có thể tự phá hủy các khối máu đông này để máu tuần hoàn lại, giúp các triệu chứng biến mất. Nhưng với những trường hợp khác thì không.
Có một số yếu tố nguy cơ làm tăng việc mắc cơn thiếu máu não thoáng qua như:
- tiền sử gia đình từng có người gặp tình trạng này
- sau 55 tuổi
- nam giới
- bệnh hồng cầu liềm.
- từng bị cơn thiếu máu não thoáng qua trước đó (nguy cơ tái phát cao gấp 10 lần)
- tăng huyết áp
- tăng cholesterol máu
- mắc bệnh tim mạch
- bệnh động mạch ngoại biên
- tiểu đường
- thừa cân
- nồng độ homocysteine cao
- lối sống ít vận động
- ăn nhiều thức ăn nhanh
- dùng nhiều bia rượu
- thức đêm nhiều, xáo trộn thời gian ngủ nghỉ
- hút thuốc
- dùng chất kích thích
- …
Các yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến mạch máu, gây hẹp mạch, tạo cục máu đông.
Những điều nên làm và không nên làm với người bị đột quỵ
Không nên làm
Không tự ý điều trị, dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió.
Không cho bệnh nhân ăn, uống, đề phòng nôn gây trào ngược.
Không tự ý dùng aspirin hoặc thuốc hạ huyết áp.
Nên làm
Nên gọi to để nhiều người tới giúp, đỡ bệnh nhân để họ không bị té ngã.
Gọi cấp cứu 115.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh, để bệnh nhân nằm yên và gọi cấp cứu đưa đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất.
Nếu bệnh nhân hôn mê, xem bệnh nhân còn thở bình thường hay ngừng thở. Nếu bệnh nhân ngừng thở thì thực hiện hô hấp nhân tạo.
Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ F.A.S.T
(F) Méo miệng: Biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
(A) Yếu liệt tay chân: Đánh giá bệnh nhân có yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao.
(S) Ngôn ngữ bất thường: Đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản xem bệnh nhân có hiểu không, có lặp lại được không, nhận xét giọng nói có bị đớ không?
(T) Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột: Gọi ngay cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ.
Phòng tránh đột quỵ
Đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu chúng ta có chế độ ăn uống hợp lý và tăng cường vận động.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng từ tất cả các nhóm thực phẩm.
Đặc biệt, các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng có vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất dinh dưỡng khác nhưng ít năng lượng (calo) như rau, trái cây, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo.
Trái cây và rau quả có nhiều chất vitamin, khoáng chất và chất xơ có thể giúp bạn kiểm soát tốt cân nặng và huyết áp.
Các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt chưa tinh chế, có chứa chất xơ có thể giúp giảm cholesterol trong máu, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.
Ăn cá ít nhất hai lần một tuần. Cá có chứa các axit béo omega-3 có thể giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh động mạch vành.
Chọn thịt nạc và thịt gia cầm
Hạn chế ăn các loại thực phẩm và đồ uống có chứa lượng năng lượng cao nhưng lại ít chất dinh dưỡng.
Hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol (dùng ít hơn 300 mg mỗi ngày)
Hạn chế các loại đồ uống và thực phẩm giàu đường.
Sử dụng ít hoặc không sử dụng muối trong chế biến (dùng ít hơn 6g muối mỗi ngày).
Hạn chế sử dụng rượu bia (tối đa 1 ly mỗi ngày cho nữ, hai ly mỗi ngày cho nam).
Xem thêm: Thực phẩm tự nhiên làm sạch cholesterol trong máu mỗi ngày
Làm cho bữa ăn dễ dàng hơn
Chia làm nhiều bữa ăn trong ngày
Ăn chậm và thoải mái trong bữa ăn
Ăn những thức ăn mà bạn thích
Nên có bữa ăn nhẹ trong ngày với những món ăn tốt cho sức khỏe
Giảm phiền muộn, căng thẳng trong các bữa ăn
Chọn chế độ ăn tốt cho tim và não
Tập thể dục mỗi ngày
Hoạt động thể dục giúp cải thiện chức năng tim, hạ thấp cholesterol toàn phần, làm giảm huyết áp và nhịp tim lúc nghỉ ngơi, làm giảm nguy cơ và mức độ nặng của bệnh tiểu đường bằng cách tăng độ nhạy cảm insulin. Hoạt động thể lực còn giúp cải thiện sức khỏe, sự cân bằng, độ bền và sức khỏe não lâu dài.
Hoạt động tập thể dục còn tác động tích cực đến tâm lý như tăng cường sự tự tin, giảm căng thẳng, trầm cảm và lo âu.
Bên cạnh việc nạp vừa đủ năng lượng và tập luyện thể lực mỗi ngày sẽ giúp duy trì trọng lượng cơ thể tốt nhất. Đi bộ hoặc tập các hoạt động thể lực khác ít nhất 30 phút, tốt nhất là 40 – 60 phút mỗi ngày.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên
Huyết áp cao có thể không có triệu chứng nào. Cách duy nhất để biết mình cao huyết áp là đo huyết áp. Nếu huyết áp cao, bạn nên có chế độ ăn uống, tập thể dục, nếu điều đó không hiệu quả, cần dùng thuốc ổn định huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.
Ngưng hút thuốc lá
Thuốc lá tăng tỉ lệ đột quỵ và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Tốt nhất bạn nên quyết tâm từ bỏ thuốc lá.
Nếu gặp các dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua, bênh nhân cần đi khám bệnh ngay. Việc điều trị kịp thời sẽ giúp ngừa các cơn đột quỵ trong tương lai. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp ngăn chặn đột quỵ tốt nhất. Các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn cholesterol cần được điều trị và kiểm soát tốt. Bệnh nhân cần bỏ thuốc lá, thay đổi để có lối sống lành mạnh. Việc sử dụng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.