Cùng khám phá bí mật làm nên tính cách của trẻ từ khi sinh ra đến khi trưởng thành!
Mọi em bé khi ra đời đều mang những nét cá tính rất riêng của mình, và cá tính này chi phối hầu hết các trạng thái và thậm chí quyết định một số các cột mốc quan trọng của cuộc đời bé. Nhưng phải chăng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”? Hãy khám phá những điều làm nên tính cách của một đứa trẻ từ khi ra đời đến khi trưởng thành.
Sự hình thành tính cách của một đứa trẻ
Sự thật là các bậc cha mẹ không thể quyết định được tính cách của đứa trẻ mình sinh ra, nhưng không có nghĩa là bố mẹ chẳng thể làm gì với tính cách của con. Thiên hướng tính cách bẩm sinh của bé chỉ là một phần cá tính của bé sau này, một phần quan trọng khác chính là cách bố mẹ phản ứng và xử sự với những tính cách thiên bẩm của con.
Theo các nhà nghiên cứu, cá tính của một đứa trẻ được cấu thành từ 9 đặc điểm tính cách được kế thừa. Các đặc điểm này kết hợp theo những mức độ khác nhau ở mỗi đứa trẻ và quyết định bé yêu của bạn sẽ thuộc nhóm tính cách nào trong ba nhóm: dễ chịu, chậm hòa nhập, và khó chiều.
Bé có thể rất hiếu động, nhưng có thể không thích vận động lắm. Ảnh: Inmagine
Nhưng đừng hoang tưởng! Việc thay đổi tính cách bẩm sinh của một đứa trẻ cũng khó như việc cố thay đổi thói quen của người bạn đời, bạn có thể giúp bé nhận ra năng lực tiềm ẩn một cách toàn diện bằng cách mang đến cho bé cơ hội trải nghiệm và khám phá những gì phù hợp nhất với bé.
Vậy làm thế nào để chúng ta sớm phát hiện ra cá tính của bé? Một vài đặc điểm sẽ hiển nhiên xuất hiện ngay từ khi bé ra đời, một vài đặc điểm khác thì lại xuất hiện khi bé được khoảng 3 – 4 tháng tuổi, và một vài đặc điểm có thể phát triển dần về mức độ theo thời gian. Chẳng hạn như nỗi thất vọng của trẻ sẽ được cải thiện khi trẻ đạt được sự tự tin, hoặc sự hiếu động của bé cũng sẽ giảm dần khi khả năng tập trung của bé tốt hơn. Ngay cả những cá tính khó nhằn nhất vẫn có thể trở nên đơn giản hơn, chẳng hạn như cách bé đối phó với những thăng trầm của cuộc sống và cách tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc cho chính mình – tất nhiên là phải cùng với sự hỗ trợ và hướng dẫn của bạn.
Trong khi chờ đợi sự phát triển tự nhiên của bé, bạn có thể sớm nhận ra những đặc điểm tính cách của bé và có thể mang lại những định hướng tốt nhất cho con mình.
1. Tính hiếu động và mức độ vận động
- Cần tìm hiểu: Bé có thường cố ngóng nhìn ra thế giới bên ngoài ngay cả khi bé đang được ngồi trên ghế ăn? Hoặc bé có biến việc để mẹ thay tã thành một cuộc vật lộn giữa mẹ và con?
- Đối phó như thế nào: Nếu trẻ tỏ ra không thích hoạt động nhiều, bạn đừng áp đặt bé vào những trò chơi đòi hỏi vận động thể chất nhiều; thay vào đó, hãy cho trẻ nhiều lựa chọn để luôn khiến bé vận động một cách thoải mái.
Ngược lại, các em bé hiếu động lại thường hứng thú với những kích thích. Trẻ có thể biết đi và biết lái xe đạp sớm hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác. Nhược điểm: bạn cần thận trọng về sự an toàn của bé bởi vì những em bé thích hoạt động thường dễ gặp rắc rối; tốt nhất bạn hãy mang tất cả những món đồ chơi tránh xa khi bé tập đi, và nhớ thắt dây an toàn cho bé mỗi khi đặt bé lên bệ thay tã, không bao giờ để bé ngồi một mình trên ghế, cũng như không để bé tự nằm lật một mình. Ưu điểm của những em bé hiếu động là thường ngủ rất ngoan bởi bé đã dành nhiều năng lượng cho các hoạt động của mình!
2. Tính ổn định và điều độ
- Cần tìm hiểu: Bé có ăn, ngủ và thậm chí và đi vệ sinh đúng giờ không? Hay bé không bao giờ tuân theo những thói quen mà bạn luôn cố tập cho bé?
- Đối phó như thế nào: Đối với những em bé luôn sinh hoạt theo đúng giờ giấc, hãy xây dựng thời gian biểu của bạn dựa trên thói quen của bé càng nhiều và càng sớm càng tốt – bé sẽ có cảm giác dễ chịu khi theo thời gian biểu này – và điều này cũng khiến cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn. Khi lớn hơn một chút, bé sẽ bắt đầu thích nghi với những giấc ngủ ngắn thỉnh thoảng bị gián đoạn.
Một em bé khó thích nghi sẽ cần được cung cấp những món thân thuộc gợi nhớ đến môi trường thân quen của bé.
Nếu em bé của bạn có một lịch trình sinh hoạt không thể đoán trước, hãy cố gắng để không quá cứng nhắc, nếu không có thể chính bạn sẽ phải phát điên lên vì điều này. Đừng quá ám ảnh về các thói quen của bé, nhưng hãy cố gắng giữ các sinh hoạt này điều độ từ ngày này qua ngày khác. Chẳng hạn, bạn có thể cho bé bú trên cùng một chiếc ghế và thực hiện những động tác nhẹ nhàng kèm theo mà bé rất yêu thích. Và hãy nhớ rằng bạn luôn phải cho bé đi ngủ vào cùng một thời gian cố định – những em bé đang cần được nghỉ ngơi sẽ vô cùng cáu kỉnh khi không được đi ngủ.
3. Tính hòa đồng và xã giao
- Cần tìm hiểu: Bé có cười và bi bô bắt chuyện với bất cứ người nào? Hay dường như em bé của bạn có vẻ sợ người lạ ngay từ khi mới sinh, thậm chí bé sợ hãi cả những cử chỉ yêu thương của ông bà?
- Đối phó như thế nào: Nếu bạn có một em bé hướng ngoại, hãy cho bé cơ hội tiếp xúc với nhiều người – chẳng hạn như tham gia chơi cùng một nhóm bạn, đi công viên, và cho bé cùng tham gia vào một vài công việc của bạn.
Đối với những em bé nhút nhát, đừng cố đẩy bé vào các tình huống xa lạ. Hãy luôn giữ bé bên cạnh bạn cho đến khi bé có vẻ đã sẵn sàng tiếp xúc với người khác – bằng cách thủ thỉ với bé hoặc nếu bé lớn hơn, bạn nên thử để bé ở cạnh bạn, ngồi trên đùi bạn hoặc bò xung quanh. Và đừng lo lắng: mặc dù bé luôn thể hiện một chút dè dặt, nhưng rồi bé sẽ kết bạn – theo đúng mức độ tính cách của bé.
Ngay cả em bé dễ gần nhất cũng có thể trải qua những giai đoạn khó khăn – như lo sợ khi gặp người lạ – trong khoảng thời gian bé được 9 tháng tuổi và có thể giảm dần khi bé đựoc khoảng 18 tháng tuổi.
4. Khả năng thích nghi
- Cần tìm hiểu: Bé có tỏ ra vui vẻ và thoải mái trong mọi trường hợp không? Hay bé không bao giờ chịu ngủ ở một nơi xa lạ mà không phải là giường cũi của bé, và bé thường từ chối những món ăn mới lạ?
- Đối phó như thế nào: Một em bé dễ thích nghi là một em bé có thể dễ dàng bắt nhịp được với những thay đổi trong cuộc sống cũng như với những người lạ trong cuộc sống. Đối với các bé này, việc đưa bé đi du lịch hay đi chơi xa sẽ vô cùng thoải mái – bởi bé có thể ngủ trong phòng khách sạn hoặc tại nhà ông bà một cách dễ dàng như được ngủ trong giường cũi của riêng mình. Bạn hãy tận dụng sự linh họat này của bé, nhưng cũng đừng nên ỷ lại vào sự dễ chịu của bé. Ngay cả khi bé dễ dàng quen với người trông trẻ mới, nhưng hãy chắc rằng bé đã hòa nhập với người này trước khi bạn rời khỏi.
Nếu bé khó thích nghi hơn, hãy từng bước nhẹ nhàng giới thiệu cho bé những điều mới mẻ trong cuộc sống của bé. Thậm chí những sự thay đổi nhỏ như việc bạn đeo một đôi kính mới hay bố mới cạo râu cũng có thể khiến bé cảm thấy xa lạ và sợ hãi. Khi chuẩn bị cho chuyến đi của gia đình, bạn nên mang theo những đồ vật quen thuộc của bé, chẳng hạn như một tấm chăn, sách, đồ chơi yêu thích hoặc bất cứ thứ gì có thể mang đến cho bé cảm giác như đang được ở nhà.
Còn tiếp..