Khi mang thai bạn và gia đình luôn mong muốn đến ngày đón chào bé yêu -thành viên mới nhỏ bé. Và hạnh phúc biết nhường nào khi một ngày mẹ tròn con vuông trong vòng tay của gia đình và để hạnh phúc, niềm vui ấy được mãi trọn vẹn thì hơn hết là đảm bảo được sức khỏe của mẹ và bé.
Sau thời gian vượt cạn bạn hãy tranh thủ ngủ để đảm bảo sức khỏe.
Điều này có thể còn nhiều bỡ ngỡ ở những bạn lần đầu sinh em bé. Để giúp bạn có thêm kiến thức tham khảo về chế độ nghỉ ngơi sau khi sinh, đặc biệt là trong tháng đầu chúng tôi xin cung cấp một vài điều như sau:
1. Thời gian biểu trước khi ra viện
Ngày sinh: Để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ là việc rất quan trọng. trong 2 – 3 giờ đầu sau khi sinh, cần phải kiểm tra tình hình co hồi tử cung và tình hình ra máu. Nếu lúc này có buồn tiểu thì nên nhờ sự giúp đỡ của nhân viên y tế không nên đi vệ sinh ngay lúc này vì ảnh hưởng đến vết khâu tầng sinh môn. Sau khi thấy đỡ mệt thì bạn có thể cho con bạn bú, bú càng sớm càng tốt. Khoảng 8 giờ sau khi sinh bạn có thể thử bắt đầu xuống giường bước đi.
Ngày thứ 1: Có thể đi chậm đến nhà vệ sinh. Đặc biệt nếu không có tình trạng bất thường khác, bạn có thể xuống giường đi bộ nhẹ nhàng trong phòng, điều này sẽ ít nhiều giúp cho sự co hồi của tử cung diễn ra một cách nhanh chóng hơn. Bạn có thể tắm nếu thấy mình không quá yếu và được sự cho phép của bác sỹ. chú ý tắm bằng nước ấm, trong phòng kín và không được ngâm mình trong nước.
Ngày thứ 2: Người mẹ có thể tự thay tã lót cho con mình. Và nếu không thấy quá mệt hãy cố gắng đi bộ quanh phòng. Lúc này vết khâu của tầng sinh môn vẫn còn đau.
Ngày thứ 3 – 5: Người cắt – khâu tầng sinh môn lúc này không còn đau nhiều nữa. những người mổ đẻ cũng được kiểm tra vết mổ và thay băng hàng ngày, được cắt chỉ khi có chỉ định của bác sỹ và vết mổ sạch khô. ở một số bệnh viện sẽ hướng dẫn cho các mẹ cách tắm cho trẻ, các kiến thức về nuôi dưỡng trẻ và các phương pháp điều tiết sữa. do vậy người mẹ chớ ngại học hỏi nhiều. việc sinh hoạt tình dục tốt nhất cũng nên được các mẹ quan tâm bởi nếu không cẩn thận và không hiểu biết hết rất có thể sẽ mang thai trở lại trong thời gian sớm.
Ngày 6 – 7: Trước khi về nhà, bà mẹ và em bé phải được kiểm tra. Nếu không có hiện tượng gì bất thường mới có thể ra viện và nên về nhà bằng taxi.
2. Thời gian biểu sau khi xuất viện
Khoảng tuần thứ 2: Vừa sinh xong là thời kỳ rất dễ cảm thấy mết mỏi. nếu có cảm giác mệt mỏi, tốt nhất ngay lập tức lên giường nằm nghỉ. Đối với người ở cữ trong nhà việc giúp đỡ của phía người chồng là rất quan trọng. bất kể là mua sắm đồ hay giặt tã, người chồng đều phải giúp đỡ một cách tích cực. lúc này cũng là lúc tinh thần rất dễ rơi vào trạng thái suy sụp, nhiều trường hợp dẫn đến trầm cảm, tự kỷ. do vậy không nên suy nghĩ quá nhiều về mọi chuyện, cố gắng giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ. khi tắm nên tránh cách tắm bồn, cố gắng dùng cách xả nước. về việc gội đầu có thể nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình.
Khoảng tuần thứ 3: Có thể bắt đầu tắm giặt tã cho trẻ hoặc làm một số công việc nhà đơn giản. do buổi tối phải thức dậy cho con bú, nên ban ngày nhân cơ hội trẻ ngủ ban ngày mẹ cũng nên tranh thủ chợp mắt. có thể luyện tập các động tác thể dục dành cho thời kỳ sau khi sinh.
Khoảng tuần thứ 4: Hầu như có thể làm những việc bình thường, từ từ hồi phục lại các sinh hoạt như trước. bạn nên dành từ 2 – 3 tiếng để ngủ trưa mỗi ngày. Bạn cũng có thể đi mua sắm đồ ở gần nhà, nhưng chú ý nên tránh mang xách nặng.
Một tháng sau khi sinh mẹ và bé nên được đến bác sỹ đển được kiểm tra lại. các vấn đề cần được kiểm tra lại như: sự co hồi của tử cung, thể trọng, nước tiểu, huyết áp và tình trạng phát triển của trẻ sơ sinh có bình thường hay không.
Vi Hằng – YduocLH