Sức khỏe của bé là chuyện quan trọng của cha mẹ. Với trẻ sơ sinh, dù bé có khỏe mạnh và cứng cáp vẫn rất dễ bị tổn thương. Bài viết dưới đây xin chia sẻ với các bậc cha mẹ những dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị ốm.
1. Trẻ bị sốt
Các bà mẹ đôi khi rất chủ quan khi bé bị sốt và thường không cho con tới bác sĩ. Thực tế, bé bị sốt là do gặp trục trặc về sức khỏe. Bản thân sốt không phải là bệnh mà là phản ứng của cơ thể trẻ với các tác nhân gây bệnh. Bạn hãy gọi cho bác sĩ ngay khi thấy trẻ dưới 3 tháng tuổi có thân nhiệt tăng trên 37,5 độ C hoặc trẻ từ 3-6 tháng tuổi có thân nhiệt 38 độ C.
Nếu trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu khác như: phát ban, khó chịu, bú kém, khó thở, nôn mửa hoặc tiêu chảy liên tục, có biểu hiện mất nước hoặc hôn mê cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chữa trị kịp thời.
Với các bé lớn hơn, nếu trẻ chỉ sốt mà không có biểu hiện gì khác thường thì bạn nên chăm sóc và theo dõi bé thường xuyên. Có dấu hiệu xấu đi của bệnh thì cần đưa bé tới gặp bác sĩ ngay.
2. Trẻ bị mất nước
Tình trạng mất nước có thể xảy ra do trẻ bú kém, sốt cao, nôn mửa hoặc tiêu chảy liên tục. Khi bị mất nước, trẻ thường có những biểu hiện sau: miệng và nướu khô, khóc không chảy nước mắt, chỗ thóp hơi lún xuống, mệt mỏi, lờ đờ. Trường hợp này cũng cần cho trẻ đến bác sĩ.
3. Trẻ bị tiêu chảy
Tiêu chảy là triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Các bé còn nhỏ, đặc biệt là các bé sơ sinh đang bú mẹ thường “đi ngoài” phân mềm hoặc lỏng. Tuy nhiên, nếu bé đi ngoài ra nước thì chứng tỏ bé đã bị tiêu chảy. Nếu phát hiện trẻ đi tiêu có máu trong phân (màu máu có thể đỏ tươi hoặc sẫm, đen), trẻ đi phân lỏng hơn 6 lần/ngày hoặc có dấu hiệu mất nước, phải đưa trẻ đến bác sĩ ngay.
Ngoài ra, bạn cần đảm bảo cho bé bú và uống đủ nước để tránh cho bé bị mất nước. Mỗi ngày, bé của bạn cần đi tiểu ít nhất 6 lần. Nếu bé không “ị” được, hoặc “ị” ra phân cứng và khô, hoặc đi ngoài ra máu và có chất nhầy thì đó là những triệu chứng của táo bón.Lúc này, bạn cũng cần đưa bé tới gặp bác sĩ để có được tư vấn tốt nhất.
4. Nôn mửa
Trẻ nhỏ “nôn ọe” một, hai lần thì không gây nguy hiểm. Nhưng nếu triệu chứng này xảy ra thường xuyên thì cũng là dấu hiệu đáng lo ngại, đặc biệt khi trẻ nôn ra dịch màu xanh hoặc có máu.
5. Khó thở
Nếu thấy trẻ có biểu hiện khò khè khó thở, khi bé thở bé phải dùng nhiều sức cũng là biểu hiện cho thấy bé đang gặp vấn đề về sức khỏe. Bạn cần đưa bé đi khám sớm, nếu không bé có thể bị dẫn tới tình trạng thiếu oxy và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Dấu hiệu trẻ khó thở
- Trẻ thở gấp, nhịp thở nhanh hơn bình thường.
- Bạn quan sát phần giữa xương sườn hoặc phần bụng trên có bị lõm khi trẻ hít vào không.
- Trẻ thở ra hổn hển.
- Đầu trẻ gật gù.
- Môi và da tái nhợt.
6. Rốn đỏ, rỉ dịch và chảy máu
Khi thấy chỗ rốn hoặc dương vật của bé đỏ lên, rỉ dịch hay chảy máu, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì thường đó là những dấu hiệu nhiễm trùng.
7. Cảm lạnh
Đa số trẻ sơ sinh hay bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nguyên nhân do virus. Các triệu chứng liên quan khi nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc cảm lạnh thường là: bé sốt, kén ăn trong vài ngày đầu, sổ mũi kéo dài 1-2 tuần, triệu chứng ho có thể đến 2-3 tuần sau mới khỏi.Theo dõi trẻ, nếu thấy các triệu chứng trên ngày càng trở nên nghiêm trọng thì bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ để được chăm sóc và điều trị
Khi bé có dấu hiệu ốm, có thể sắc mặt bé ủ rũ, bé cũng có thể ngủ li bì, bé cũng có thể quấy khóc bất thường và khi đó bé sẽ không chịu bú. Hãy luôn chú ý biểu hiện của bé để chăm sóc bé được cho tốt.
Nguồn: Tổng hợp