Khi đọc được một số tín hiệu của bé như mỉm cười, bắt chước cha mẹ, dụi mắt và khóc… cha mẹ có thể nhanh chóng đáp ứng những nhu cầu của trẻ.
Khi nuôi con đầu lòng, điều khiến các bậc cha mẹ thực sự bối rối là không hiểu được con đang cần gì? Con bị làm sao mỗi lần con quấy khóc, mất ngủ hay hành động bé cọ cọ tay lên tai…
Trẻ sơ sinh đã có khả năng thể hiện xúc cảm khác nhau như hài lòng hay buồn rầu. Việc đọc được những tín hiệu của trẻ sẽ giúp cha mẹ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của bé, trấn an và đảm bảo an toàn cho bé. Tất nhiên, việc nói luôn dễ hơn làm, không phải tất cả trẻ đều gửi đi các thông điệp chính xác, và đôi khi phải mất đến vài tháng bạn mới có thể giải mã được những ‘mật hiệu’ của trẻ.
Việc đọc được những tín hiệu của trẻ sẽ giúp cha mẹ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của bé. (Ảnh minh họa).
Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn gần con và hiểu con hơn.
1. Biểu hiện khuôn mặt
Khi bé cau mày, nhăn trán – biểu hiện này của bé có thể chỉ thoáng qua nên dễ khiến cha mẹ phớt lờ. Nhưng thực tế, nếu bạn quan tâm đến hành động này, bạn có thể nhanh chóng nắm bắt được một vài thói quen của bé.
2. Lé tránh sự cưng nựng
Khoảng 2 tháng tuổi, đôi lúc, trẻ sơ sinh sẽ nghiêng đầu sang một bên để từ chối những cái hôn hay vuốt ve của bạn nếu chúng cảm thấy khó chịu. Trong trường hợp này, bạn không nên quá ngạc nhiên hay cố gắng tiếp tục hành động của mình. Tốt nhất, cố gắng di chuyển vào tầm nhìn của bé, tiếp tục nói chuyện hoặc lắc xúc xắc đồ chơi để gây sự chú ý của bé. Hãy tôn trọng tình cảm lúc thăng, lúc trầm của bé, kiên nhẫn chờ cho đến khi bé quay lại phía bạn và ‘yêu’ lại bạn, rồi mỉm cười và tiếp tục nựng nịu bé.
Trẻ em chính là những chuyên gia bắt chước và rất nhạy cảm. (Ảnh minh họa).
3. Mỉm cười
Khi bé được 6 – 8 tuần tuổi, bạn đã có thể thấy được nụ cười rạng rỡ đầu tiên của bé. Ở độ tuần này, nụ cười có thể chỉ là một tín hiệu vật lý nhưng sau đó nụ cười trở nên có kiểm soát và xảy ra khi bé được nựng nịu hay nhìn thấy người thân.
Để khích lệ bé, khi thấy bé cười, bạn hãy cười lại thật tươi với bé và có thể nói: “ôi tuyệt quá, con cười rồi’ hoặc ‘con cười đẹp lắm…’. Dù bé chưa hiểu bạn nói gì nhưng những thông điệp của bạn sẽ có tác động tích cực đến bé.
4. Bắt chước
Từ 3 – 6 tháng tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ tìm hiểu để bắt chước nét mặt sợ hãi, ngạc nhiên, buồn bã hay tươi tỉnh của người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Khi bé nhìn thấy một người lạ mặt, bé sẽ nhìn sang nét mặt của người thân, nếu bé thấy người thân của mình có biểu hiện nhăn nhó, không hài lòng thì cảm giác lo lắng của bé sẽ bắt đầu tăng lên. Thông thường bé sẽ khóc và đeo bám ngay người thân.
Trẻ em chính là những chuyên gia bắt chước và rất nhạy cảm. Nếu thấy cha mẹ căng thẳng, hẳn nhiên bé sẽ có biểu hiện không vui. Khi thấy bé bất an, hãy ôm và vỗ nhẹ vào lưng bé để bé thấy rằng mọi việc vẫn ổn. Trong trường hợp bạn đang tức giận với một ai hay một điều gì đó, tốt nhất bạn không nên gần bé, nên giao bé cho một người khác đáng tin cậy.
5. Body talk ( ngôn ngữ cơ thể)
Một nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 90% giao tiếp giữa trẻ sơ sinh và người lớn đều thông qua cử chỉ và âm ngữ. Ví dụ, khi bé thức, thấy bé co bàn tay rất có thể trẻ đang đói và bạn nên bắt đầu cho trẻ ăn. Một khi trẻ đang no và hài lòng thì bàn tay trẻ thường duỗi ra rất thoải mái.
Hoặc, một vài tuần sau sinh, bé bắt đầu cong lưng khi thấy khó chịu. Nếu bé cong lưng kết hợp với tiếng khóc, bạn cần đặc biệt lưu ý, rất có thể bé bị trào ngược (reflux). Khi thấy hành động này của bé, bạn nên đổi tư thế bế và tư thế bé nằm.