Massage cho trẻ sơ sinh mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho cả mẹ và bé. Việc trẻ sơ sinh được massage đúng cách sẽ giúp trẻ có thân hình cân đối, săn chắc, khỏe mạnh và hơn cả là sợi dây tình cảm mẹ con ngày càng thêm gắn bó.
1. Công tác chuẩn bị
Thời điểm bạn nên tiến hành massage cho bé là khi bé hoàn toàn thoải mái, bé không còn quấy khóc hay cáu gắt nữa. Để cảm nhận rõ hơn về thái độ của bé, bạn có thể thử một vài động tác nhẹ nhành lên người bé, nếu bé thích thú và thoải mái thì đã tới lúc bạn có thể massage cho bé rồi đấy.
Một căn phòng yên tĩnh, một giai điệu du dương, nhẹ nhàng là những gì bé cần để bé nằm tận hưởng những giây phút thư giãn này. Nếu có điều hòa thì nhiệt độ lý tưởng để bạn thực hiện việc massage này là từ 28-29°C đấy bạn nhé.
Thêm nữa, bạn cũng cần chuẩn bị những loại dầu massage có nguồn gốc tự nhiên được sử dụng riêng cho các bé.
Việc tháo bỏ hoàn toàn các vật dụng, đồ trang sức trên bàn tay hay cắt ngắn móng tay để không gây xước da trẻ là một điều bạn nên làm và bạn cũng nên làm ấm lòng bàn tay trước khi chạm vào bé.
2. Massage cổ chân ,bàn chân, ngón chân
Bạn chưa biết nên bắt đầu massage cho bé từ đâu thì cổ chân bé chính là câu trả lời cho bạn. Cổ chân là nơi tốt nhất để bắt đầu. Bạn hãy đặt chân bé vào giữa ngón cái và ngón tay trỏ. Nắm chân bé đủ chặt và massage nhẹ nhàng từng chân cho bé. Một tay nắm chân bé, một tay bạn nhẹ nhàng xoa cổ chân xuống mắt cá chân của bé.
Sau khi massage cổ chân cho bé, tiếp đến bạn có thể massage bàn chân cho bé. Bạn hãy dùng hai ngón tay cái ấn nhẹ gan bàn chân của bé. Từ trên xuống dưới. Chuyển đổi chân và lặp lại. Massage chân giúp máu lưu thông được một cách dễ dàng và luôn tạo cho bé cảm giác thư giãn thoải mái.
Sau đó, hãy tiến hành massage các ngón chân của bé. Bạn nên biết rằng trên mỗi ngón chân có tới vài chục nghìn dây thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc massage chân sẽ khiến nhiều bộ phận trên cơ thể bé được thư thái, dễ chịu.
Do lượng dây thần kinh rất nhiều ở các ngón chân và tay nê các ngón chân cũng như các ngón tay đều rất nhạy cảm. Cách massage này giúp các ngón chân được dẻo dai, khỏe mạnh. Massage như sau: lòng bàn tay nắm phía dưới bàn chân, tay kia dùng ngón cái và ngón trỏ nắm từng ngón chân bé, kéo duỗi nhẹ nhàng.
Sau đó lặp lại những ngón chân khác và bóp nhẹ, xoay tròn các ngón chân bé một cách nhẹ nhàng, êm ái. Cũng làm tương tự với bàn chân kia.
3. Học cách massage bàn tay và cánh tay cho bé
Để massage bàn tay và cánh tay một cách hiệu quả và tốt nhất thì đầu tiên bạn hãy cầm tay bé thật nhẹ nhàng, truyền hơi ấm sang tay bé để bé biết là bạn chuẩn bị massage tay cho bé. Dùng ngón tay cái mở bàn tay của bé ra. Sau đó, dùng ngón cái và ngón trỏ xoa đều từng ngón tay, nắn, vuốt thật dịu dàng từng ngón tay.
Bạn hãy lăn cánh tay bé giữa hai lòng bàn tay bạn. Xoa bóp nhẹ nhàng cánh tay bé từ trên xuống dưới. Làm tương tự với tay bên kia.
4. Massage ngực bé và bụng bé
Để massage bụng cho bé, bạn cần làm ấm vài giọt dầu trong tay bạn, dùng hai bàn tay xoa nhẹ vùng ngực sang hai bên. Làm nhiều lần động tác này.
Việc massage vùng bụng cho bé giúp tiêu hóa tốt hơn, ít bị các chứng rối loạn tiêu hóa hay đầy bụng thường gặp ở trẻ. Massage còn giúp loại bỏ các độc tố, giúp bé khỏe mạnh hơn vì làm tăng khả năng bài tiết và quá trình trao đổi chất thông qua làn da của bé.
Để massage bụng cho bé một cách đúng cách bạn dùng từng bàn tay một vuốt từ bên phải sang bên trái bé, lặp lại nhịp nhàng, uyển chuyển.
Kết luận: Việc massage đem lại cho bé sức khỏe tốt hơn, cho bé dẻo dai hơn. Thế nhưng, bạn cũng không cần massage cho bé quá nhiều lần trong ngày, như thế sẽ phản tác dụng đấy nhé.
Nguồn: afamily