Tốn 50 triệu đồng phẫu thuật bệnh trĩ, bệnh vẫn vậy
Ông H. cho biết ngày 19-9-2017 ông đến bệnh viện ở Phan Rang, Ninh Thuận, được chẩn đoán trĩ vòng. Ông H. được mổ cắt búi trĩ sau đó, nhưng kết quả không khả quan, tình trạng đi cầu như phân chuột nhiều lần một ngày và xuất huyết tiêu hóa dưới vẫn không cải thiện.
Ngày 31-10-2017, sau khi tái khám bác sĩ chẩn đoán ông bị hẹp hậu môn sau mổ trĩ và cho mổ lại. Sau mổ lần hai, thật khốn khổ khi tình trạng bệnh vẫn tiếp tục không được cải thiện.
Ngày 6-12-2017, ông được bác sĩ của một bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM chẩn đoán hẹp hậu môn sau mổ trĩ và tiến hành phẫu thuật lần ba. Mổ xong, tình trạng bệnh của ông vẫn vậy.
Ngày 6-1-2018, vị bác sĩ này mổ cho ông lần nữa. Thế nhưng, mọi hy vọng dần tan thành mây khói khi tình trạng bệnh vẫn y nguyên không thay đổi sau lần mổ thứ tư này.
Ngày 31-1-2018, ông quay lại bệnh viện này tái khám nhưng bác sĩ chỉ làm thủ thuật nong hậu môn. Sau nong, tình trạng bệnh của ông H. không thay đổi.
Ông H., khổ sở tâm sự: ông không chỉ đến hai bệnh viện nói trên mà còn đến khám ở một số bệnh viện và phòng khám đông y Trung Quốc, rồi đi… ngồi thiền chữa trĩ ở một cơ sở tại Đức Linh, Bình Thuận. Thế nhưng sau gần sáu tháng điều trị, phẫu thuật ở nhiều nơi, tốn kém gần 50 triệu đồng bệnh vẫn vậy.
Chi phí phẫu thuật đội lên gấp 10 lần, vẫn không hết bệnh trĩ
Đầu tháng 7, chị M. 23 tuổi vừa đi du học ở Pháp về Việt Nam. Tận dụng kỳ nghỉ ngắn ngủi chưa đầy hai tuần, chị M. nóng lòng tìm địa chỉ điều trị bệnh trĩ càng nhanh càng tốt.
Thấy một phòng khám tại Thái Thịnh, Hà Nội quảng cáo “điều trị dứt điểm chỉ trong một lần”, chị rất mừng. “Đài phát thanh, truyền hình, rồi mấy chục biển quảng cáo cỡ to chạy dọc đường Láng chỉ với nội dung đó khiến tôi tin tưởng tuyệt đối. Ngày 12-7, tôi đến đấy phẫu thuật, chi phí hết 4,2 triệu đồng.”
Nhưng sau phẫu thuật, chị M. lập tức được chỉ định truyền kháng sinh “phòng trừ viêm nhiễm”, rồi “điều trị bằng bước sóng ngắn” với chi phí phát sinh thêm hơn 3 triệu đồng. Trái ngược với quảng cáo không đau, không phải nằm viện, nhưng ngay khi từ phòng truyền ra, chị M. ngất lịm, phải nằm lưu lại phòng khám thêm một đêm. Hơn một tuần sau đó, chị M. đến phòng khám đều đặn để truyền thuốc, rồi điều trị sóng ngắn với chi phí trung bình 3 triệu đồng/ngày. Chi hết 40 triệu đồng vết mổ không hết đau, chị M. cay đắng nhận ra mình đã bị chém đẹp. Chi phí đội lên gần 10 lần.
Biến chứng sau phẫu thuật trĩ
Anh L. 33 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội đã vào Bệnh viện Tràng An, Hà Nội trong tình trạng chảy máu nhiều ở vùng hậu môn, sợ sệt, không ăn được, huyết áp tụt. Bệnh nhân ngất ngay khi vào đến bệnh viện. Anh L. đã được mổ cắt trĩ trước đó bảy ngày tại phòng khám tư với chi phí 21,6 triệu đồng. Biến chứng sau phẫu thuật rất nặng, toàn bộ hậu môn của anh L. bị loét, chảy máu nhiều, phải dùng dao điện và khâu cầm máu.
Trước đó, bệnh viện Tràng An cũng tiếp nhận một bệnh nhân 65 tuổi ở Hải Dương, bị viêm hậu môn sau mổ trĩ tại phòng khám trên đường Giải Phóng. Vết mổ của bệnh nhân sưng đau, loét vết cắt, cắt chưa hết búi trĩ. Cần được chữa trị lại và vết mổ dự kiến một tháng nữa mới lành hẳn.
Các bác sĩ bệnh viện Việt Đức vừa cấp cứu một ca biến chứng hẹp hậu môn sau điều trị trĩ bằng “sóng cao tần” tại phòng khám tư trên phố Thái Thịnh. Các bác sĩ rất bức xúc vì dịch vụ điều trị bằng sóng cao tần không đắt đỏ nhưng bệnh nhân phải chi hàng chục triệu đồng, sau đó còn gặp biến chứng gây nguy hại cho sức khỏe.
Theo các bác sĩ, không thể có chuyện điều trị trĩ “15 phút” như quảng cáo, vì mức độ bệnh khác nhau, chỉ định điều trị khác nhau, riêng mức độ 3-4 lại có 5-7 loại khác nhau, chưa kể tỉ lệ tái phát sau điều trị ở một số nhóm bệnh trĩ lên đến 50%. Đặc biệt nếu chữa trị tại các phòng khám tư nhân không rõ ràng, các bệnh nhân chủ yếu gặp biến chứng đau nhiều sau mổ, nhiễm trùng vết thương, thời gian sau phẫu thuật quá lâu mà không thấy phục hồi…
Biến chứng bệnh trĩ từ thuốc “gia truyền”
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y dược cho biết, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở các tỉnh bị biến chứng hẹp hậu môn, nhiễm trùng hậu môn do đến “thầy lang” mua thuốc “gia truyền” về bôi cho rụng trĩ. Có người bị nhiễm trùng lan rộng hết vùng hậu môn, vùng bìu, hai nếp bẹn…
Điển hình là cuối năm 2011 vừa qua, một nữ Việt kiều Mỹ sau khi mua “thuốc gia truyền chữa bệnh trĩ” về bôi, thay vì đi đến bệnh viện để mổ trĩ ngoại, đã bị biến chứng nhiễm trùng huyết, ăn lan đến màng não gây viêm màng não. Bệnh nhân nằm liệt giường sáu tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, phải mở hậu môn tạm. Bệnh nhân này sau khi được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống đã được chuyển qua Bệnh viện Đại học Y dược TP để tạo hình hậu môn, đóng lại hậu môn tạm.
Quan niệm mới nhất trong lĩnh vực điều trị bệnh trĩ là phải bảo tồn, giữ lại được đệm ở vùng hậu môn. Nếu cắt bỏ búi trĩ như trước đây sẽ dẫn đến tình trạng mất đệm hậu môn, làm hậu môn không khít lại được, gây biến chứng ứ trệ hoặc chảy dịch hậu môn.
Hiện có ba phương pháp điều trị trĩ là bảo tồn, dụng cụ và phẫu thuật. Điều trị bảo tồn bằng thuốc uống, thuốc bôi. Điều trị bằng dụng cụ gồm chích xơ, quang đông hồng ngoại, thắt trĩ bằng vòng cao su. Phẫu thuật chỉ áp dụng khi trĩ có biến chứng: tắc mạch, trĩ sa độ ba trở lên. Dù sử dụng phương tiện nào thì bác sĩ cũng không nên “kẹp, cắt một lần là hết búi trĩ” như quảng cáo của một số cơ sở bán máy vì cắt như vậy sẽ gây biến chứng hẹp hậu môn cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện còn gặp nhiều trường hợp biến chứng hẹp hậu môn khi cắt trĩ bằng sóng cao tần do người thực hiện không đủ chuyên môn, tay nghề.
Xem thêm:
- Chăm sóc sau mổ trĩ theo hướng dẫn của bác sĩ
- Hướng dẫn vệ sinh sau mổ trĩ đúng cách để mau lành bệnh
Khi bị trĩ, bệnh nhân nên đi điều trị ở những bệnh viện lớn có đầu tư khoa hậu môn để được điều trị đúng chuẩn bằng cả ba phương pháp nói trên. Bởi điều trị bảo tồn bằng phương pháp nội khoa luôn là chọn lựa đầu tiên khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ. Nếu điều trị bằng thuốc thất bại mới chuyển qua điều trị bằng dụng cụ. Chỉ khi người bệnh đi tiêu trĩ sa ra ngoài không tự thụt vào được, hoặc lúc nào trĩ cũng nằm ngoài hậu môn, có biến chứng nặng mới phải phẫu thuật.