Táo bón là triệu chứng thường gặp khi phụ nữ mang bầu, điều này xảy ra do hormone trong cơ thể tăng cao trong thời gian mang thai, đồng thời nếu mẹ bầu không uống đủ nước hoặc ăn đủ chất xơ, táo bón sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Khi mẹ bầu bị táo bón, rất dễ dẫn đến những vấn đề khác gây nên hiện tượng mang thai bị táo bón ra máu.
Nguyên nhân dẫn đến bà bầu bị táo bón ra máu
Bệnh Trĩ
Bệnh trĩ hình thành khi các mạch máu quanh trực tràng bị sưng lên, gây đau đớn trong vài tháng cuối của thai kỳ và sau khi sinh. Khi bà bầu bị táo bón, sẽ tạo thêm áp lực lên các mạch máu, khiến búi trĩ lớn hơn, có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra máu. Điều này thường đi kèm với đau đớn và khó chịu.
Các vết nứt hậu môn (Anal Fissures)
Đây là các vết nứt màu đỏ, hình thành trên vùng da quanh trực tràng. Khi bị táo bón, bà bầu thường cố gắng rặn để đẩy khối phân cứng và khô ra ngoài. Kết quả là các vết nứt hậu môn xuất hiện. Nếu mẹ bầu vẫn cố gắng rặn nhiều lần, vết nứt hậu môn có thể lan rộng và thấy máu xuất hiện trong phân. Các vết nứt hậu môn này gây rất nhiều đau đớn và khó chịu cho người mắc.
Vết rách hậu môn (Anal Tears)
Vết rách hậu môn chỉ xảy ra nếu bạn đang có vết nứt hậu môn. Khi bà bầu vẫn còn táo bón, quá trình đi tiêu sẽ gây áp lực lên các vết nứt hậu môn. Kết quả là vết nứt hậu môn trở nên to hơn và có thể dẫn đến các vết rách lớn ở vùng trực tràng, giống hình dạng giọt nước mắt. Lúc này, hiện tượng bà bầu táo bón đi ngoài ra máu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, máu xuất hiện trong phân nhiều hơn.
Rò hậu môn
Bệnh rò hậu môn là căn bệnh sinh ra do nhiễm trùng tại các khe và nhú trong ống hậu môn. Sau đó làm ở các tuyến hậu môn ở giữa hai cơ thắt hậu môn bị viêm và tụ mủ, phá miệng da vùng xung quanh hậu môn tạo thành những lỗ rò. Trong hầu hết các trường hợp, nó sẽ thải ra chất trắng, nhưng đôi khi, nó cũng có thể gây chảy máu.
Khi nào nên lo lắng về hiện tượng bà bầu bị táo bón đi ngoài ra máu?
Bà bầu bị táo bón đi ngoài ra máu thường không phải là hiện tượng gì nguy hiểm. Miễn là bạn chắc chắn rằng máu đến từ vùng trực tràng và không phải từ âm đạo, thì đừng lo lắng nhiều, cũng sẽ không có nguy hiểm nào cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, bạn nên thông báo việc ra máu này cho bác sĩ, đôi khi cũng khó để xác định máu đến từ trực tràng hay âm đạo của bạn. Các bác sĩ có thể giúp xác định chính xác tình trạng này.
Khi gặp hiện tượng đi ngoài ra máu và có kèm một hoặc nhiều triệu chứng sau đây, hãy gọi cho bác sĩ:
- Sốt
- Đau bụng hoặc đầy bụng
- Buồn nôn hoặc nôn
- Chảy máu liên tục hoặc trầm trọng
- Giảm cân
- Tiêu chảy nặng hoặc kéo dài
- Phân có dạng bút chì, rò rỉ phân, hoặc không thể đi tiêu.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng dưới đây, hãy nhập viện:
- Phân màu đen hoặc màu nâu đỏ
- Mất máu trầm trọng
- Đau hoặc chấn thương trực tràng
- Chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu
- Nhịp tim đập nhanh hoặc bất thường
Phòng tránh việc mang thai bị táo bón
Mang thai bị táo bón gây nhiều khó chịu không chỉ cho mẹ mà còn có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe của thai nhi. Táo bón khi mang thai cũng có thể phát triển thành bệnh trĩ. Chúng có thể gây ra đau đớn và ảnh hưởng rất nhiều sau khi sinh con. Chính vì vậy, đừng để bệnh xảy ra rồi mới tìm cách chữa trị, mẹ bầu nên có ý thức chủ động phòng tránh táo bón khi mang thai.
- Tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn. Chất xơ có vai trò quan trọng với hệ tiêu hóa, nó hấp thụ nước và làm mềm các chất thải rắn, giúp các chất thải dễ dàng được tống ra ngoài. Tuy nhiên, ăn quá nhiều chất xơ cũng có thể dẫn đến táo bón. Mẹ bầu nên ăn khoảng 25-30 gam chất xơ mỗi ngày.
- Hãy uống đủ lượng nước. Nước cực kì cần thiết với cơ thể sống. Đối với việc phòng chống bị táo bón khi mang thai, nước giúp làm mềm và di chuyển các khối chất thải dễ dàng hơn. Vì vậy mẹ bầu hãy nhớ uống đủ 10-12 ly nước mỗi ngày. Theo kinh nghiệm của một số bà mẹ, uống 1 cốc nước ấm vào buổi sáng rất có ích cho tình trạng táo bón.
- Ăn nhiều sữa chua. Trong sữa chua có chứa vi khuẩn Probiotic – một loại vi khuẩn tốt, có lợi cho sức khỏe, sống trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn này giúp cho thức ăn được tiêu hóa một cách nhanh chóng và giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Tránh ăn những thức ăn dễ gây ra táo bón. Bánh mì trắng và những thực phẩm từ ngô rất dễ làm cho mẹ bầu bị táo bón. Nên hạn chế những thức ăn này.
- Tránh một số loại đồ uống và chất kích thích. Các loại đồ uống lợi tiểu như trà, cà phê, coca, chất cồn có thể gây ra tình trạng khử nước của cơ thể, làm chứng táo bón thêm nặng.
- Vận động cơ thể. Việc luyện tập tích cực, vận động cơ thể thường xuyên giúp ngăn ngừa hiện tượng mang thai bị táo bón rất tốt, đặc biệt là khi tính chất công việc của mẹ bầu phải ngồi nhiều.
- Không nhịn khi đi vệ sinh. Khi nhịn đi vệ sinh, mẹ bầu sẽ có nguy cơ bị táo rất cao. Vậy nên nếu có dấu hiệu muốn đi vệ sinh, mẹ bầu nên đi ngay.