Việc cho bé bú sữa mẹ thường xuyên của bạn gặp phải khó khăn khi bạn đã hết thời gian thai sản và phải quay trở lại với công việc một cách bình thường. Một giải pháp an toàn cho bạn là vắt sữa mẹ và bảo quản cho bé dùng dần. Việc bảo quản sữa mẹ cần phải lưu ý một số điểm sau đây.
1. Bảo quản trong bao lâu?
Sữa mẹ sau khi đã được vắt ra có thể dự trữ ở nhiệt độ mát trong phòng (khoảng 26-28ºC) là 6h; nhiệt độ thấp hơn là 8-10h. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, việc bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ trong phòng không nên kéo dài quá 4h; trời nóng là dưới 1h;dưới 20ºC không nên quá 2h.
Nguyên nhân là vì sữa mẹ khác nhau từ người mẹ này với người mẹ khác, nhiệt độ phòng cũng khác nhau tùy lúc vắt sữa nên việc xác định thời gian bảo quản cũng phải linh hoạt.
2. Vắt bao nhiêu sữa trong một lần là đủ?
Với bé dưới 6 tháng tuổi, bạn nên vắt sữa với số lượng nhỏ mỗi lần (khoảng 100-150ml) là đủ cho bé dùng. Với bé lớn hơn (hoặc do mẹ phải đi làm cả ngày), số lượng sữa vắt phụ thuộc vào nhu cầu của bé nhưng cũng không nên lạm dụng (khi đi làm về, mẹ có thể cho con bú).
3. Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Dự trữ sữa mẹ trong ngăn mát: Nếu bạn không có dự định cho bé dùng sữa ngay sau khi vắt thì nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể giữ được trong 1-3 ngày.
Dự trữ sữa mẹ trong ngăn đá: Thời gian tối đa có thể lên tới 3 tháng (phụ thuộc vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng – mở cửa tủ) và 6 tháng nếu ở trong máy ướp lạnh. Không nên bảo quản sữa mẹ ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác.
Khi muốn đưa sữa lên ngăn đá, bạn nên đặt sữa trong ngăn mát trước rồi chuyển lên ngăn đá. Tương tự, khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng ½-1 ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài. Tuy nhiên, bạn không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu mà nên cho bé dùng sớm nhất có thể.
4. Lưu trữ sữa trong dụng cụ chuyên dụng
Thủy tinh được xem như chất liệu tốt nhất để trữ sữa mẹ bởi vì, các thành phần có trong sữa mẹ được bảo quản tốt nhất trong thủy tinh. Thứ hai là bình nhựa cứng, chất lượng tốt. Nên chọn loại bình dành riêng để trữ sữa.
Nếu muốn sử dụng túi đựng sữa, cha mẹ nên lưu ý:
- Thứ nhất , sữa có khả năng dính vào hai bên mép túi, làm giảm khối lượng sữa.
- Thứ hai , sữa được đựng trong túi thường có nguy cơ bị rò rỉ nhiều hơn. Một số hãng sản xuất ra những chiếc túi đựng sữa chất lượng tốt nhưng giá thành lại khá đắt. Để tiết kiệm, bạn có thể mua 2 loại túi: một loại dùng trữ sữa trong ngăn mát tủ lạnh; loại đắt hơn dùng đựng sữa trong ngăn đá. Điều này sẽ giảm thiểu những vết rách nhỏ xuất hiện trên bề mặt túi.
Sữa bảo quản trong tủ lạnh thường có lớp váng nổi trên bề mặt nhưng bên dưới, sữa nhìn trong như nước. Để sử dụng, bạn nên lắc đều bình sữa, hấp cách thủy rồi chờ sữa ấm là cho bé ăn được. Nếu sữa mẹ được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng thì trước khi cho bé bú, bạn có thể ngâm bình sữa vào một bát nước ấm (không cần hấp cách thủy).
Nếu sữa trong bình (túi) có màu trắng đục như đám mây sau khi rã đông thì có khả năng sữa đã bị rò. Không nên cho bé ăn sữa này vì nó không đảm bảo chất lượng.
Mẹo vắt sữa bằng tay ít đau và lưu trữ sữa
Mẹo vắt sữa
- Chuẩn bị : một bộ dụng cụ sạch để đựng sữa, khăn sạch để lau.
- Bước 1 : Rửa tay với xà phòng và nước.
- Bước 2 : Lau sạch vú với một chiếc khăn ướt để làm sạch cả khu vực xung quanh núm vú.
- Bước 3 : Tiến hành vắt sữa: Dùng ngón tay cái, ngón tay trỏ và ngón giữa, tạo thành chữ C bao quanh quầng vú. Các ngón tay nên cách quầng vú 1-2 cm. Với hình dạng chữ C như thế, bạn thử nhẹ nhàng đẩy vú về phía trước. Ép nhẹ ngón tay cái và ngón tay trỏ vào nhau để tạo lực vắt sữa nhưng không được kéo hay giật. Hình dung các ngón tay của bạn đang giúp sữa chảy từ trung tâm ra khỏi đầu ti.
- Thay đổi vị trí của bàn tay bạn để tay chạm vào tất cả các ống dẫn sữa. Hãy di chuyển bàn tay bạn từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, xoay như kim đồng hồ. Dừng lại khi sữa đã ngừng ra.
Mẹo lưu trữ
- Nên ghi ngày tháng trên các dụng cụ đựng sữa rồi mới đem cất tủ lạnh.
- Không làm đông lạnh rồi rã đông nhiều lần.
- Không nên sử dụng lại sữa rã đông qua nhiều lần.
- Sử dụng sữa lưu trữ theo quy tắc “vào trước ra trước”.
Nguồn: Eva