Phì đại lành tính tuyến tiền liệt là một căn bệnh phổ biến ở nam giới cao tuổi. Đây có phải là bệnh ung thư không và nên làm gì nếu gặp phải? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Mục lục
Phì đại tiền liệt tuyến là căn bệnh gì?
Phì đại tiền liệt tuyến hay u xơ tiền liệt tuyến đề cập đến sự phát triển không ác tính của tuyến tiền liệt. Ở căn bệnh này, các tế bào của tuyến tiền liệt tăng sinh, dẫn tới tình trạng tuyến tiền liệt lớn dần lên.
Khi kích thước của tuyến lớn, nó có thể chèn ép vào niệu đạo và làm tắc nghẽn bàng quang, gây ra một loại triệu chứng liên quan tới tiểu tiện.
Nó phổ biến như thế nào?
Phì đại tiền liệt tuyến là một vấn đề phổ biến nhất ở nam giới. Đặc biệt, càng về già, tỉ lệ mắc căn bệnh này càng cao.
Theo các số liệu, ở tuổi 60 có khoảng 50% nam giới sẽ có một số dấu hiệu của phì đại tuyến tiền liệt; đến năm 85 tuổi, 90% nam giới sẽ có các dấu hiệu của tình trạng này. Trong đó, một nửa nam giới mắc u xơ tiền liệt tuyến sẽ xuất hiện các triệu chứng cần được điều trị.
Phì đại tuyến tiền liệt có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không?
Dựa trên các nghiên cứu cho đến nay, phì đại tiền liệt tuyến dường như không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt và phì đại tiền liệt tuyến cũng không phải là căn bệnh tiền ung thứ, vì thế nó cũng không phát triển thành ung thư.
Tuy nhiên, phì đại tiền liệt tuyến và ung thư tuyến tiền liệt có các triệu chứng tương tự nhau, và bạn có thể mắc cả u xơ tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt cùng một lúc.
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh
Khi tuyến tiền liệt phì đại, nó làm niệu đạo hẹp lại và chèn ép bàng quang, từ đó gây ra các triệu chứng phổ biến sau:
- Tăng tần suất đi tiểu cả ngày lẫn đêm
- Tiểu không kiểm soát
- Khó khăn khi bắt đầu đi tiểu, dòng tiểu bị gián đoạn, yếu
- Sau khi đi tiểu xong cảm giác nước tiểu vẫn tồn đọng dai dẳng
- Cần phải căng hoặc rặn để bắt đầu và duy trì việc đi tiểu
- Lực dòng nước tiểu giảm
- .v.v.
Mỗi bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng khác nhau, mức độ có thể từ nhẹ tới nặng.
Các biến chứng
Nếu không điều trị, phì đại tiền liệt tuyến có thể gây ra các biến chứng như:
– Bí tiểu cấp tính. Đây là tình trạng một người đột nhiên không thể đi tiểu dù bàng quang đã căng đầy. Bệnh gây đau đớn dữ dội. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs). Theo thời gian, lượng nước tiểu tồn đọng lâu ngày trong đường tiểu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không điều trị có thể gây ra nhiễm thận, làm hư thận vĩnh viễn hoặc gây ra nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng người bệnh.
– Sỏi bàng quang. Do bàng quang không có khả năng làm rỗng hoàn toàn, nước tiểu tích tụ lại có thể hình thành nên sỏi. Sỏi bàng quang có thể gây nhiễm trùng, kích ứng bàng quang, tiểu ra máu và cản trở dòng chảy của nước tiểu (bí tiểu cấp tính).
– Tổn thương bàng quang. Bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn theo thời gian các cơ sẽ căng ra và suy yếu. Kết quả là, thành cơ của bàng quang không còn co bóp đúng cách, bị tổn thương nặng nề.
– Thận hư. Áp lực trong bàng quang do bí tiểu có thể trực tiếp làm hỏng thận hoặc tạo điều kiện cho nhiễm trùng lây lan đến thận. Từ đó gây ra tổn thương thận nghiêm trọng và hỏng thận vĩnh viễn.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán phì đại tiền liệt tuyến, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi và có thể đề nghị bạn điền vào một bảng khảo sát về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bạn mắc phải, cũng như mức độ chúng làm phiền bạn hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Sau đó họ sẽ khám thể chất tổng quát, sờ vùng bụng và vùng bẹn để kiểm tra xem có cục u nào không. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra trực tràng kỹ thuật số bằng cách đeo găng tay và bôi trơn rồi đưa vào trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt (bởi tuyến tiền liệt nằm ngay phía trước trực tràng). Bạn có thể cảm thấy cần phải đi tiểu hoặc hơi khó chịu, nhưng việc kiểm tra sẽ diễn ra nhanh chóng.
Sau khi thăm khám xong, bác sĩ có thể đề nghị làm thêm các xét nghiệm kiểm tra, bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ PSA (PSA là một loại protein mà tuyến tiền liệt tạo ra. Cả phì đại tiền liệt tuyến và ung thư tuyến tiền liệt đều có thể làm tăng mức PSA)
- Thử nghiệm niệu động học
- Đo lưu lượng nước tiểu
- Áp suất niệu động học
- Soi bàng quang
- Siêu âm qua trực tràng
- Sinh thiết
- .v.v.
Sau khi có các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng và cùng bạn thảo luận phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị phì đại tiền liệt tuyến
Chờ đợi thận trọng
Bạn có thể làm giảm các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt bằng cách thực hiện một số thay đổi đơn giản trong lối sống của mình. Bao gồm:
- Uống ít đồ uống có ga, rượu, caffein và chất làm ngọt nhân tạo
- Uống ít nước vào buổi tối, đặc biệt là trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ
- Hãy nhớ đi vệ sinh trước khi đi đường dài hoặc khi bạn biết mình sẽ không thể đi vệ sinh một cách dễ dàng.
- Thực hiện kỹ thuật Double voiding
- Ăn nhiều chất xơ để phòng ngừa táo bóng
- Đào tạo bàng quang
- Thực hiện một số bài tập, chẳng hạn như thở, thư giãn và các bài tập cơ bắp, để giúp bạn không cần phải đi tiểu nhiều lần.
- Đi vệ sinh trước khi đi ngủ
- .v.v.
Thuốc men
Có nhiều loại thuốc điều trị phì đại tiền liệt tuyến, trong đó thuốc chẹn alpha thường là loại thuốc được kê đầu tiên. Chúng giúp giãn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt, từ đó có thể cải thiện dòng chảy của nước tiểu.
Nếu thuốc này không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc khác, chẳng hạn như Finasteride và Dutasteride để ngăn chặn tác động của nội tiết tố nam DHT – là nội tiết tố kích thích sự phát triển của phì đại tiền liệt tuyến. Thuốc có tác dụng ngăn chặn tuyến phát triển và thu nhỏ kích thước của tuyến.
Một số nam giới cần được điều trị bằng cả thuốc chẹn alpha cộng với Finasteride hoặc dutasteride.
Ngoài các loại thuốc này, còn một số loại thuốc khác như: thuốc lợi tiểu, Tadalafil, thuốc kháng cholinergic,…
Phẫu thuật
Nếu cả thay đổi lối sống và thuốc đều không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm phẫu thuật. Việc phẫu thuật giúp giảm các triệu chứng tốt nhất nhưng chúng có thể gây ra các biến chứng.
Quy trình phẫu thuật phổ biến nhất là cắt bỏ tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (TURP). Ở thủ thuật này, bác sĩ đưa một ống nội soi qua niệu đạo. Gắn liền với ống nội soi là một dụng cụ phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ một phần của tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, TURP có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng và chảy máu. Ngoài ra, chứng són tiểu có thể gặp ở khoảng 1 đến 3% nam giới. Thủ thuật này cũng có thể gây ra rối loạn cương dương. Một số chuyên gia ước tính có tới 35% nam giới bị rối loạn cương dương khi thực hiện TURP.
Ngoài thủ thuật này, còn các thủ thuật khác có nguy cơ biến chứng thấp hơn, tuy nhiên chúng có thể mang lại hiệu quả thấp hơn. Các thủ thuật này gồm:
- Nhiệt vi sóng
- Trị liệu bằng hơi nước
- Laser
- Hóa hơi bằng điện
- Rạch xuyên tuyến tiền liệt (TUIP)
- .v.v.
Tóm lược
Phì đại tuyến tiền liệt là một bệnh thường gặp ở nam giới cao tuổi, chúng có thể gây ra các triệu chứng liên quan tới tiểu tiện, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và công việc của người mắc. Tuy nhiên, đây là căn bệnh lành tính và không phải là ung thư, có thể điều trị được.
Để có một kế hoạch điều trị phù hợp, bạn cần đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Sau đó, dựa vào các kết quả, bác sĩ mới xây dựng phác đồ điều trị cho riêng bạn.
Nguồn bài viết: tuyentienliet.com.vn