Khái niệm thiếu sữa có thể chỉ là do cho trẻ bú không đúng cách ngay từ lúc đầu. Các nhà nghiên cứu cho rằng sản xuất sữa phụ thuộc vào sự đòi hỏi bú sữa mẹ của trẻ làm kích thích thường xuyên quầng vú và đầu vú, đòi hỏi các tuyến sữa phải làm việc điểu đặn. Cho nên nếu trẻ đẻ ra quá non tháng không bú được, để duy trì tiết sữa, người mẹ phải vắt sữa đúng giờ bằng tay hay ống hút sữa.
Thực tế, cho bú không đúng cách chỉ là một nguyên nhân quan trọng gây thiếu sữa, ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác nhất là yếu tố tinh thần. Người mẹ phải suy nghĩ, lo âu nhiều gâu nên mất ngủ, ăn kém, không ăn đủ chất…góp phần đáng kể vào sự thiếu sữa.
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng vào việc có nhiều sữa hay ít. Để duy trì và làm tăng nguồn sữa mẹ, ngay từ lúc có thai và trong thời kỳ cho con bú người mẹ phải ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. thường chế độ ăn tốt cho một bà mẹ trong giai đoạn này là một chế độ ăn đa dạng, không kiêng khem. Ba bữa ăn cần cân đối đủ các chất dinh dưỡng như: cơm, thịt, cá, đậu, trứng rau xanh, hoa quả…
Uống thêm mỗi ngày 1- 2 cốc sữa và uống nhiều nước (có thể là nước trái cây hoặc canh ăn hàng ngày…). Cần lưu ý một số tập quán không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay như ăn cơm với thịt cá kho thật mặn, uống nước trà đặc, kiêng ăn rau xanh và trái cây, xông hơi làm mất nhiều mồ hôi… bởi vì những kiêng khem này có thể làm bà mẹ mệt mỏi và kết quả là không nhận đủ số năng lượng cần thiết trong việc tạo sữa cho con bú.
Dinh dưỡng là vấn đề quan trọng để đảm bảo lượng sữa cho bé.
Dân gian Việt Nam từ ngàn xưa vẫn lưu truyền một số món ăn lợi sữa. Đó là những thức ăn giàu năng lượng, phù hợp cho phụ nữ sau khi sinh phụ hồi sức khỏe và cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để tạo sữa cho con bú như : Móng gió lợn hầm với lạc, đậu đen, gạo nếp, gà ác hầm thuốc bắc, rau lang nấu với thịt bò, canh đu đủ xanh nấu với thịt gà, cháo ếch nấu đậu xanh, cơm nếp với thịt gà… Các món ăn này có sự phối hợp đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng khác nhau.
Các bà mẹ cũng không nên lo nghĩ quá nhiều đến vóc dáng của mình mà tiết giảm chế độ ăn hàng ngày. Cơ thể của mẹ sẽ huy động tất cả năng lượng dự trữ để tạo sữa, nên trong giai đoạn đầu không có sự thiếu hụt nguồn sữa mẹ, tuy nhiên nếu tình trạng dinh dưỡng kém kéo dài có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa và sức khỏe của mẹ.
Ngoài chế độ ăn, cần lưu ý đến chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo lắng, suy nghĩ nhiều, nhất là trong giai đoạn đầu sau khi sinh. Sinh hoạt cần có quy luật điều độ, ngủ nghỉ đủ giờ. Đặc biệt, người mẹ cần giữ trạng thái tinh thần thoải mái và tin tưởng chỉ nuôi con bằng chính sữa mẹ thì con mình mới khỏe mạnh hơn cả. Mỗi lần nhìn con bú là cảm thấy vui sướng và đó chính là một hạnh phúc thiêng liêng được làm mẹ.
Cần lưu ý: Giữa hai lần cho con bú người mẹ cần được nghỉ ngơi để lấy lại sức. Người mẹ không nên tự ý dùng các loại thuốc lợi sữa mà không tham khả ý kiến của bác sỹ.
Vi Hằng – YduocLH