Nhiều bà mẹ phàn nàn con sợ ăn đến độ nhìn thấy mẹ chuẩn bị bữa ăn dặm là tìm cách phản kháng hoặc trốn tránh. Nguyên nhân thường là mẹ không quan tâm đến mùi vị của bữa ăn. Vì sợ bé không đủ chất nên một số bà mẹ đã lựa chon quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng (ví dụ như trong một chén bột gồm cả ngũ cốc, bắp nghiền, gan gà, bột cá lóc…) để chế biến, tạo nên các mùi vị khác nhau.
Song trẻ có khẩu vị riêng, thức ăn dù bổ, tốt cho sức khỏe nhưng nếu không kết hợp đúng cách, không thơm ngon, trẻ sẽ không thích ăn. Do đó, khi chọn thực phẩm hoặc bột ăn dặm, mẹ nên chú ý đến mùi vị sản phẩm và khẩu vị của trẻ. Để biết được khẩu vị của trẻ, mẹ chỉ cần quan sát “thái độ” của bé khi ăn. Trẻ sẽ hào hứng khi được ăn món hợp khẩu vị. Để tập cho trẻ ăn dặm, mẹ nên bắt đầu bằng bột có vị ngọt. Nếu trẻ tìm cách thoái thác hoặc nhè thức ăn thì mẹ nên kiên trì khích lệ trẻ khám phá khẩu vị mới. Sau đó, mẹ đổi dần sang bột có vị mặn cho trẻ.
Nhưng nếu mẹ chỉ cho trẻ ăn mãi một món, trẻ sẽ cảm thấy chán. Do đó, mẹ nên chú ý đổi món thường xuyên cho bé. Mỗi bữa ăn, ngoài việc đảm bảo có đủ các nhóm thực phẩm thì sự đa dạng mùi vị của bữa ăn rất quan trọng, giúp trẻ yêu thích ăn dặm hơn. Một vài gợi ý như: vị ngọt do kết hợp với các loại trái cây như chuối, mơ, đào; hay vị mặn có thể do kết hợp với thịt, cá và rau củ; mỳ nghiền nấu với phô mai…. Tập cho trẻ thích thú với nhiều khẩu vị khác nhau sẽ giúp trẻ dễ dàng thích nghi với những bữa ăn đa dạng. Đó là cơ sở, nền tảng của dinh dưỡng hợp lý.
Ngoài ra, các mẹ đừng ép con ăn khi trẻ không muốn ăn thêm. Trẻ không muốn ăn thường do hai lý do chính. Một là trẻ không thích mùi vị của bữa ăn. Hai là do trẻ không thể ăn thêm vì đã no. Việc trẻ ăn được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thể tích dạ dày theo độ tuổi, lượng thức ăn còn tồn trong dạ dày của bữa ăn trước và mức độ năng lượng tiêu hao của trẻ. Nếu mẹ cố ép trẻ ăn hết suất ăn có thể làm cho trẻ nôn trớ, sợ ăn.