Viêm loét dạ dày là căn bệnh của xã hội hiện đại, khi cuộc sống vội vàng, bận rộn khiến mọi người không còn thời gian chăm sóc cho những bữa ăn và chế độ sinh hoạt của mình. Đã có rất nhiều băn khoăn, thắc mắc về căn bệnh này, để giúp bạn biết thêm thông tin, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm loét dạ dày.
1. Khỏi rồi lại đau, có phải bệnh viêm dạ dày thuộc loại kinh niên không thể chữa khỏi?
Sở dĩ, thỉnh thoảng bạn hay bị đau dạ dày là do những lý do sau:
- Chưa xác định nguyên nhân gây viêm dạ dày. Bạn cần xác định rõ nguyên nhân mới điều trị triệt để.
- Bạn tự ý dùng thuốc
- Dùng thuốc chưa đúng
- Dùng chưa đúng thời gian,…
Bạn không nên quá lo lắng, bệnh này không phải là không có cách chữa trị, bạn nên khám và điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ, không nên bỏ điều trị giữa chừng thì bệnh sẽ khỏi. Khi điều trị bạn cần chú ý chế độ ăn uống, làm việc và chăm sóc tinh thần thật tốt vì các yếu tố này cũng góp phần vào việc điều trị và quyết định bệnh tình của bạn có được điều trị dứt điểm hay không.
– Chế độ ăn uống: dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, nên ăn nhiều cữ nhỏ, tránh ăn quá no hoặc để quá đói, ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, cữ sáng không nên ăn quá trễ (sau 7 giờ) tránh dùng các thức ăn: chua – cay, thức ăn có nhiều gia vị hành, tiêu, tỏi, ớt, nước ngọt có gaz, kiêng rượu bia, thuốc lá, tránh dùng các loại thuốc giảm đau, thuốc corticoid ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
– Sinh hoạt hàng ngày: học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tránh stress, cần có thời gian thư giãn, tập thể dục đều mỗi ngày.
– Tinh thần: giữ một tinh thần luôn lạc quan, thoải mái cũng là những yếu tố quan trọng góp phần điều trị cho bệnh lý này.
2. Đau bụng dạ dày khác với đau bụng khác như thế nào ?
Đau bụng do bệnh lý ở dạ dày có trường hợp biểu hiện rõ, chuẩn đoán tương đối dễ dàng, thường bệnh nhân có những triệu chứng như:
Đau vùng bụng trên rốn, đau thường xuất hiện lúc đói hoặc ngay sau ăn nhưng vài trường hợp đau không liên quan gì tới bữa ăn.
Kèm theo đau, bệnh nhân thường hay có cảm giác nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát ngay sau xương ức.
Tuy nhiên đa số trường hợp triệu chứng mơ hồ rất khó chẩn đoán phân biệt với những trường hợp đau bụng có vị trí hoặc tính chất gần giống với đau bụng do bệnh lý ở dạ dày, đặc biệt cần chuẩn đoán phân biệt với những trường hợp đau bụng đòi hỏi phải được bác sĩ chữa trị & can thiệp kịp thời nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.
Trong nhiều trường hợp việc thăm khám lâm sàng đôi khi chưa đủ, mà đôi khi cần phải kết hợp với các phương tiện cận lâm sàng khác để có chẩn đoán xác định.
3. Cách nào phân biệt được bệnh viêm loét dạ dày và viêm loét tá tràng?
– Viêm loét dạ dày:
- Đau bụng trên hoặc vùng thượng vị (vùng bụng trên, ngay dưới ức), ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn.
- Đói đau, no quá cũng đau. Đang đói, đau, ăn nhẹ thì hết đau. Đau tăng khi ăn các thức ăn như: chuối tiêu, dứa, dưa chua,…
- Xuất huyết (nếu có): Phân đen, mịn như cà phê hoặc nôn ra máu đỏ, da xanh tái, tim đập nhanh, vã mồ hôi, giảm huyết áp.
– Viêm loét hành tá tràng:
- Đau vùng thượng vị: Đau dữ dội, đau rát, đau như bị cào, gặm; hoặc đau âm ỉ, bụng đầy hoặc cảm giác cồn cào như đói.
- Cơn đau giảm khi ăn thức ăn. Cơn đau lại đến sau khi ăn 1,5-3 giờ. Cơn đau thường làm bệnh nhân tỉnh dậy ban đêm. Có thể kéo dài vài ngày tới vài tháng. Đau tăng khi ăn thức ăn và nôn là các triệu chứng của loét môn vị.
Sự khác nhau lớn nhất là loét hành tá tràng không bao giờ trở thành ung thư, trong khi loét dạ dày có khả năng rất cao trở thành ung thư.
Nhưng dù mắc chứng viêm loét nào, người bệnh cũng nên thăm khám và có phương pháp điều trị sớm để tránh những ảnh hướng xấu về sau.
4. Vì sao không nên ăn chuối tiêu khi bị viêm loét dạ dày?
Chuối là loại trái cây rất bổ dưỡng và tốt cho mọi lứa tuổi. Chuối chứa protein, nhiều chất xơ, kali, magie, natri, canxi, sắt, vitamin C, A, B6…
Ăn chuối buổi sáng sẽ giảm cân vì buổi sáng chỉ ăn chuối thay cho những món khác phở, hủ tiếu, bánh mì…
Ăn chuối nhất là chuối tiêu xanh, lúc bụng đói có thể gây cồn cào đầy bụng, khó tiêu, nhất là ở người đã có bệnh viêm dạ dày tá tràng. Người bị đau dạ dày có thể chuyển sang ăn các loại chuối khác như chuối già, chuối cau…, chọn chuối chín vừa và chỉ nên ăn chuối khi no. Chuối có tác dụng bảo vệ dạ dày do nó trung hòa axit dạ dày.
5. Bệnh viêm loét dạ dày có bị lây không?
Nếu chứng viêm loét dạ dày của bạn nguyên nhân gây ra do nhiễm vi khuẩn HP thì việc lây nhiễm cho những người xung quanh là việc hoàn toàn có thể xả ra.
Các đường lây của vi trùng HP:
– Đường miệng – miệng: HP được tìm thấy trong nước bọt và cao răng của người bệnh. Vi khuẩn HP theo dịch tiết dạ dày qua đường nước bọt và lây từ người này sang người khác thông qua nước bọt từ đồ dùng vệ sinh cá nhân, dùng chung chén bát đũa muỗng, hôn trực tiếp, mẹ nhai mớm cơm cho con ăn. Trẻ em có thể lây cho nhau hoặc cho người tiếp xúc với trẻ nếu tiếp xúc với chất nôn ói của trẻ bị nhiễm vi trùng HP.
– Đường dạ dày – miệng: vi khuẩn HP có trong dịch dạ dày nên có thể lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác khi sử dụng các ống nội soi dạ dày chưa vô trùng tốt.
– Đường phân – miệng: HP có trong phân của người bệnh, vi khuẩn theo phân lây sang người khác do không vệ sinh tay sạch sau khi đi tiêu và trước khi ăn hay qua trung gian côn trùng như ruồi, gián… khi thức ăn không đậy kỹ.
6. Mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có lên lao động về đêm được không?
Bạn nên thay đổi giờ giấc làm việc, đối với người mắc bệnh này cần làm việc ban ngày và tránh căng thẳng.
Bạn không nên làm việc ban đêm vì ban đêm là khoảng thời gian axit HCl được tăng tiết nhiều nhất sẽ tác động trực tiếp vào niêm mạc dạ dày và gây viêm. Do vậy, mà các bệnh nhân thường xuất hiện cơn đau vào ban đêm hoặc gần sáng.
7. Sữa chua rất tốt cho sức khỏe nhưng có tốt cho người bị viêm loét dạ dày không?
Đúng là sữa chua rất tốt cho sức khỏe cho mọi lứa tuổi, nhưng nếu bạn và người thân đang bị viêm dạ dày cấp tính thì không nên dùng trong thời điểm này.
Sau khi đã điều trị ổn mỗi ngày bạn có thể dùng một hũ nhưng không nên để quá lạnh hoặc quá chua.
Với những chia sẻ của các bác sĩ hi vọng đã mang lại những gợi ý bổ ích giúp bạn có thêm nhiều thông tin quý báu về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.