Viêm họng cấp là bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ vào mùa lạnh. Chứng bệnh này rất nguy hiểm vì nếu không được điều trị sớm, viêm họng cấp sẽ có nguy cơ biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim.
Nguyên nhân và triệu chứng:
Thời tiết lạnh, ẩm là môi trường thuận lợi cho liên cầu phát triển, gây nên viêm họng, sau đó tiển triển thành viêm đường hô hấp trên. Viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, triệu chứng là nguwofi bệnh sốt cao 39 – 40 độ C, nuốt đau, rát họng, khàn tiếng, sụt sịt, chảy nước mũi, tắc mũi, khàn giọn, ho khan. Hạch vùng cổ, hạch góc hàm thường viêm tấy,sưng đau, khiến trẻ đau lên tai và đau nhói khi nuốt.
Hình ảnh minh họa.
Viêm họng cấp thường diễn biến trong 3 – 4 ngày, sau đó, bệnh sẽ lui dẫn, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh, sốt giảm dần, hiện tượng đau rát họng cũng không còn.
Nếu viêm họng cấp bị bội nhiễm, nếu kéo dài hơn có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai, mũi, phế quản. Ở trẻ em, nguy hiểm hơn nữa, còn có thể gây bệnh thấp tim. Liên cầu khuẩn gây viêm họng kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh và gây nên bệnh thấp tim.
Triệu chứng chung của thấp tim do viêm họng cấp là trẻ sốt, đau họng, ho, tiếp đến là sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu và chạy từ khớp này sang khớp khác.
Chăm sóc và điều trị:
Khi trẻ bị viêm họng cấp, cần phải cho trẻ nghỉ ngơi, giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là giữ ấm cho các bộ phận cổ, ngực, gan bàn chân. Đồng thời nên cung cấp cho trẻ nhiều vitamin C bằng cách ăn các hoa quả như cam, quýt, bưởi hoặc viên uống, nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nếu trẻ có triệu chứng trở nặng, lâu khỏi, sốt cao trên 38độ C cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ để chỉ định cho thuốc uống, không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị.
Nếu viêm họng cấp do virus gây ra, điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả nên chủ yếu là điều trị triệu chứng. Cần cho trẻ súc miệng, súc họng thường xuyên bằng nước muối ấm loãng và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ. Cần uống đủ liều, dù các triệu chứng đã biến mất, để đề phòng kháng thuốc.
Trẻ có biến chứng thấp tim cần được điều trị chu đáo, phải theo dõi điều trị hàng tháng.
Phòng ngừa:
Cần giúp bé vệ sinh họng, răng, miệng hàng ngày bằng những cách như đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng, nhỏ mũi, họng bằng nước muối loãng.
Hình ảnh minh họa.
Tập thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước, tốt nhất là nước đun sôi để nguội.
Cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Với trẻ nhỏ, cần cho bú mẹ đầy đủ. Với trẻ lớn, cần thực hiện tốt chế độ nuôi dưỡng tốt, dinh dưỡng cân bằng, đủ dưỡng chất, uống vitamin A đầy đủ theo hướng dẫn.
Luôn chú ý giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ bị gió lùa, hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người, nơi môi trường bị ô nhiễm, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh khói bụi.
Cần chú ý rèn luyện thể chất cho trẻ để nâng cao sức khỏe, có thể chống lại những điến biến phức tạp của thời tiết trong mùa đông.