Chứng co thắt ruột là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ khóc không ngừng nghỉ và có từ 10 tới 30% trẻ mắc phải chứng bệnh này. Điều này làm cha mẹ vô cùng lo lắng và mất ăn mất ngủ theo trẻ. Vậy cha mẹ cần làm gì trong lúc này?
1. Triệu chứng trẻ bị khóc co thắt ruột
Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh được mô tả là cơn khóc kịch phát ở một trẻ khỏe mạnh, thường xảy ra vào chiều tối đến đêm vào cùng một thời điểm mỗi ngày (dân gian thường gọi là khóc dạ đề). Trẻ khóc cao giọng, đỏ mặt, ưỡn người hoặc co chân vào bụng như bị lồng ruột… khiến cha mẹ rất lo lắng, dù trẻ trông vẫn khỏe mạnh và phát triển tốt. Cơn khóc thường kéo dài khoảng 3 giờ mỗi ngày, khởi phát từ lúc trẻ được 3 tuần tuổi, cao điểm lúc khoảng 6 tuần tuổi và sẽ tự hết sau 3-5 tháng tuổi.
Quá trình khám lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm thường không phát hiện vấn đề gì bất thường. Tuy nhiên, cần phân biệt cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh với các tình trạng bệnh lý khác cũng làm trẻ khóc kéo dài như: lồng ruột, nhiễm trùng, nuốt phải dị vật, ngộ độc, rối loạn nhịp tim, xoắn tinh hoàn, thoát vị nghẹt, trầy giác mạc, viêm tai giữa, nứt hậu môn, táo bón, chướng bụng do bú quá no hoặc chưa được ợ hơi, chỉ thắt xiết dương vật hoặc xiết ngón tay chân, trẻ bị ngược đãi…
2. Những việc nên làm khi trẻ bị chứng co thắt ruột
Mặc dù cơn khóc của trẻ gây khó chịu cho bạn và những người xung quanh, nhưng bạn nên biết trẻ không mắc bệnh gì nặng nề và cơn khóc không gây hại gì cho trẻ. Vì trẻ không thể nói, nên khóc là một cách biểu lộ những nhu cầu và ước muốn của chúng. Bạn nên quan sát để tìm hiểu lý do tại sao trẻ khóc. Bạn có thể phát hiện vấn đề của trẻ bằng cách đặt những câu hỏi và gợi ý sau đây:
Ngay sau khi nghe tiếng trẻ khóc, bạn cần lên tiếng cho trẻ nghe thấy trước khi có thể đến bên trẻ. Sau đó cần kiểm tra xem:
- Trẻ có đói không? Nếu có thì cho trẻ bú.
- Tã có làm bẩn tã hay không? Nếu cần thiết thì hãy tiến hành thay tã cho trẻ.
- Trẻ cần ợ hơi không? Bạn bế trẻ thẳng đứng người, úp ngực bé vào người bạn và vỗ nhẹ vào lưng trẻ.
- Trẻ có quá nóng hoặc quá lạnh không?
- Có cần thay đổi tư thế cho trẻ thoải mái hơn không?
- Quần áo hoặc tã của trẻ có quá chật không? Có sợi chỉ của bao tay hoặc vớ xiết quanh ngón tay, ngón chân trẻ không?
- Trẻ có muốn mút ngón tay hay núm vú cao su?
- Trẻ có cần những cử chỉ chăm sóc, yêu thương, ôm vào lòng, gõ theo nhịp, giọng nói êm dịu hoặc hát ru khe khẽ, lắc lư nhẹ nhàng; Xoa bụng, lưng hoặc sau gáy trẻ.
- Cho trẻ vào xe nôi và đẩy di dạo một vòng.
Cha mẹ hãy thử làm những điều trên trong 15-20 phút. Nếu bạn cảm thấy trở nên bực tức với cơn khóc của trẻ, nên đặt trẻ nằm xuống ở một nơi an toàn như nôi, để trẻ một mình trong 15-20 phút hoặc nhờ người khác bế hộ; Chú ý bạn nên ở trong phạm vi có thể nghe được tiếng trẻ khóc.
Nếu sau khi đã thực hiện lần lượt tất cả những hướng dẫn gợi ý trên mà trẻ vẫn tiếp tục khóc, bạn hãy lặp lại quá trình này một lần nữa. Nếu trong lúc làm những điều trên, bạn cảm thấy trẻ không cử động hoặc có dấu hiệu khác thường, bạn nên gọi cho bác sĩ để được tư vấn hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Mặc dù cơn khóc co thắt ruột gây không ít khó chịu cho bạn và trẻ, nhưng thường nó sẽ không kéo dài lâu.
Thạc sĩ BS. PHẠM THỊ THANH TÂM (Khoa Hồi sức sơ sinh – BV. Nhi Đồng 1)
Diem Thi đã bình luận
Toi co chau moi sinh hon 1 ngay da phai phau thuat vi benh thac ruot. Bay gio be phai di ngoai bang hau mon de ben hong. Co nguoi noi benh nay se tai di tai lai. Xin hoi BS co nhu vay khong. Bay gio noi de di ngoai cua be bi sung do chung quanh, co cach ji giup bot tay do cho be ko? Rat mong dc som tra loi cua BS. Cam on.