Năm đầu tiên đầy những dấu ấn đầu tiên, nhưng cột mốc quan trọng nhất có lẽ là việc bé biết đi…
Bước đi đầu tiên là một cột mốc lớn
Ngay cả khi bạn không quá bị ám ảnh về việc con biết đi thì rất có thể bạn từng tự hỏi: Vậy là con sắp đi được chưa? Khi nào sự kiện quan trọng này sẽ xảy ra? Thông thường, các bé bước những bước đầu tiên khi khoảng 9-15 tháng.
Trẻ nào cũng biết đi sau một chuỗi giai đoạn
Đây là một chuỗi các mốc nhanh chóng dẫn đến việc bé sẽ đi: Ngồi khi khoảng 6 tháng tuổi. Tiếp đó, bé bắt đầu học cách sử dụng các cơ ở chân để đứng thẳng. Theo sau là giai đoạn vịn đứng. Tại thời điểm này, nhiều trẻ cố gắng làm được lúc khoảng 10 tháng. “70% khối lượng cơ thể là từ hông trở lên, vì thế chân cần rất nhiều sức mạnh để nâng thân”, tiến sĩ Jody L. Jensen,PhD, chuyên gia về cử động học tại Đại học Texas (Mỹ) cho biết. Kế đến là giai đoạn trèo leo: Tương tự như kỹ năng trên, việc này mỗi trẻ mỗi khác, bé có thể làm việc này quanh nhà, bất cứ chỗ nào có đồ đạc thuận tiện cho việc leo trèo, từ cầu thang, tới bàn, ghế.
Bé mới biết đi có những đặc điểm dễ thấy
Việc cuối cùng trong bài toán đi bộ là bé học cách bước một chân trong khi giữ thăng bằng trên chân kia. Đi lảo đảo, chân đứng rộng và tay dang ra là những đặc điểm của bé mới biết đi. Để đứng lên, bé phải co lại rất nhiều cơ bắp. Nhưng để đi, bé thậm chí cần thả lỏng hông và đầu gối một chút. Thử thách với bé là tìm ra cách đúng để căng cơ ở chân. Trẻ một tuổi tìm tòi rất nhanh, không mất nhiều thời gian để biết cách thả lỏng chân và đi quanh nhà.
Rất ít bố mẹ có thể tăng tốc mốc biết đi của trẻ
Nếu tất cả trẻ khác cùng tuổi đều đã tự đi được bằng hai chân mà bé vẫn thích khám phá mọi thứ bằng cách bò trên sàn nhà, nếu con bạn trên 16 tháng và chưa thể đi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Có biện pháp can thiệp cho vấn đề này.
Nếu không phải như vậy, đừng căng thẳng quá. Đẩy đồ chơi, đứng trong xe chơi, được dắt đi… sẽ không giúp bé đi được sớm hơn. Mặt khác, những thứ này không gây hại cho trẻ, vì thế nếu bé thích những đồ chơi này, hãy để bé chơi.
Biết đi sớm hay muộn có thể cho biết cá tính của trẻ
Nhiều bậc cha mẹ tự hỏi, có phải bé đi sớm nghĩa là con năng nổ và sau này dễ đạt được thành tích trong thể thao không. Dù việc con bạn biết đi sớm hay muộn ít cho biết về tương lai bé có chơi thể thao giỏi hay không nhưng nó lại có thể cho thấy bé là người ưa mạo hiểm hay thích chờ đợi và an toàn. “Một số trẻ có tâm lý ‘tôi có thể làm bất cứ điều gì’, muốn đứng lên và có được ngay lập tức thứ chúng phát hiện ra”, tiến sĩ Laura Jana, tác giả cuốn Heading Home with Your Newborn (Mỹ) nói. Chúng không sợ ngã. Những trẻ khác không muốn bắt đầu đi cho đến khi chúng cảm thấy chắc chắn mình có thể đi tốt. Những trẻ này có thể trở nên cẩn trọng và trầm lặng hơn.
Biết đi có thể cũng bị ảnh hưởng bởi
- Kích thước: Những trẻ to lớn hơn thường đi muộn hơn vì chúng cần nhiều sức mạnh hơn để đứng dậy so với những bé nhỏ nhắn.
- Tái phát nhiễm trùng tai: Nếu một trẻ 16 tháng tuổi trở lên và chưa biết đi, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử đau ốm. Tình trạng nhiễm trùng tai có thể làm giảm sự thăng bằng của trẻ và trì hoãn việc biết đi.
- Thứ tự sinh: Trẻ có anh chị lớn hơn có thể được thúc đẩy để biết đi sớm vì chúng muốn đuổi kịp và bắt chước những việc các trẻ lớn làm.
Đừng lo lắng nếu bé thích bò hơn đi
Không phải lúc nào trẻ biết bò rồi sẽ đi ngay. Nếu con bạn nhìn thấy một thứ gì đó trên sàn và vật này thu hút sự chú ý của bé ngay lập tức, bé sẽ bò tới để lấy hay quan sát. Có thể bé nghĩ “mình phải đến đó ngay. Đi bộ thì quá lâu”.
Việc đứng lại cũng khó khăn
Khi bé đã biết đi, thử thách tiếp theo là làm sao để dừng lại. “Chúng tôi thường nói trẻ bắt đầu biết đi ‘ngã’ vào bước đi của mình” tiến sĩ Jensen nói. Mỗi bước đi cần nhiều nỗ lực hơn người lớn vì trẻ không thể khuỳnh gối hay sử dụng một chuyển động gót chân – ngón chân. Chúng không hình dung được làm thế nào để phá vỡ lực tiến về phía trước bằng cách dừng một chân và chân kia dừng theo. Cách dừng lại của trẻ là gì: Ngã.
Chân không là tốt nhất
Trẻ học đi dễ dàng hơn nếu chúng không phải mang giày, vì chân không cho phép tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà. Tất nhiên, khi bạn đưa con đi chơi, thì bé cần đi giày. Nên chọn những đôi giày có đế đàn hồi tốt, bạn nên gập đôi giày lại để kiểm tra.
Biết đi thay đổi mọi thứ
Biết tự đi khắp nơi cho phép bé tương tác và khám phá thế giới bằng một cách hoàn toàn mới. Nó mở tất cả các loại khả năng mới. Và điều này cũng buộc cha mẹ phải thay đổi, làm sao để đảm bảo an toàn cho con mà vẫn giúp bé thoải mái tìm hiểu xung quanh. Đây là cột mốc mới của những người làm bố mẹ.