Theo quan điểm của Đông Y, mùa đông thuộc hành Thủy, tính lạnh lẽo, nên nguyên tắc ẩm thực mùa đông nên ăn nhiều thực phẩm ấm, nóng, hạn chế ăn những thực phẩm có tính hàn, lạnh. Đồng thời, bên cạnh những biện pháp về ăn uống những thói quen sinh hoạt cũng góp phần vào phòng bệnh ở trẻ khi mùa đông về.
Phòng bệnh cho trẻ bằng ẩm thực
Trong mùa đông, trẻ phải tiêu hao nhiều nhiệt lượng hơn để chống chọi với cái lạnh, bởi vậy, nên cung cấp cho trẻ một chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Nên tăng cường những thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng… kết hợp với rau quả tươi để đảm bảo cân bằng dưỡng chất. Mùa đông đồ ăn dễ nguội lạnh gây ảnh hưởng đến tiêu hóa, bởi vậy nên đảm bảo đồ ăn cho trẻ luôn nóng, nếu nguội cần phải hâm lại.
Mùa đông, trẻ thường ngại uống nước, khiến cơ thể dễ mất nước. Bởi vậy, cha mẹ nên chú ý bổ sung lượng nước uống cho trẻ hàng ngày. Cho trẻ uống nước hoa quả cũng là một cách hay giúp trẻ bổ sung nước và vitamin C, nhằm tăng cường sức đề kháng, hệ miễng dịch và giúp bé không bị nhiễm lạnh trong mùa đông.
Hình ảnh minh họa.
Để củng cố hệ thống miễn dịch của trẻ, nên chú ý bổ sung sữa và sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua… cho bé. Đây là những thực phẩm giàu đạm và vitamin A, B12. Đây cũng là một nguồn cung cấp canxi quan trọng, giúp giữ cho xương chắc khỏe. Nếu sợ béo, bạn có thể chọn loại sữa tách kem hoặc sữa chua ít chất béo cho con.
Xây dựng thói quen sinh hoạt tốt
Mùa đông, thời tiết thay đổi, thói quen sinh hoạt cũng nên thay đổi cho phù hợp. Mùa đông đêm dài ngày ngắn, nên cho trẻ ngủ nhiều hơn để phù hợp với quy luật tự nhiên, có thêm sức khỏe để chống chọi với giá lạnh, tránh để trẻ nhiễm lạnh do đêm đến nhiệt độ xuống thấp.
Hình ảnh minh họa.
Tuy mùa đông thời tiết khắc nghiệt, cũng không nên suốt ngày giữ trẻ trong nhà. Nếu trẻ không có vấn đề gì về sức khỏe, nên để trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Vận động thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe và khả năng miễn dịch. Tuy rằng khi vận động cơ thể sẽ ấm lên nhưng vẫn nên chú ý giữ ấm cho trẻ.