Khoang miệng của trẻ sơ sinh nói riêng và trẻ nhỏ nói chung rất mềm, có nhiều mạch máu nên dễ bị tổn thương và viêm nhiễm. Các bé thường bị khô miệng, khó tiêu vì tuyến nước bọt chưa phát triển. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp nhận thức ăn của trẻ.
Ngoài ra, các bé dễ bị rối loạn hệ tiêu hóa do thành ruột non và thực quản mỏng hơn so với người trưởng thành, vì vậy, các chất độc dễ có cơ hội thâm nhập vào máu gây nên các triệu chứng ngộ độc ở trẻ. Những rối loạn tiêu hoá của trẻ cũng có thể xuất phát từ thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, thành phần thức ăn không phù hợp với lứa tuổi, hoặc trẻ bị căng thẳng tâm lý, lo lắng… Hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện của trẻ còn thiếu men, không tiêu hóa được đường lactose hoặc khó tiêu hóa đạm trong sữa công thức.
Những vấn đề về hệ tiêu hóa khiến trẻ giảm khả năng hấp thụ thức ăn, ăn không ngon miệng dẫn đến lười ăn. Nếu tình trạng đó kéo dài, các bé sẽ không nhận được đủ dinh dưỡng để phát triển, dẫn đến chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Thư ký Chi hội Tiêu hóa Gan mật Nhi Việt Nam, để giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt thì việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp là điều kiện cần thiết. Các nhóm thực phẩm giàu dưỡng chất Vitamin A, C và Canxi sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa, mau ăn chóng lớn.
Để tăng khả năng miễn dịch và sức đề kháng, tránh các bệnh nhiễm trùng, bé cần được cung cấp nguồn thực phẩm giàu Vitamin A như trứng, mỡ cá, rau xanh đậm… Mẹ cũng nên cho bé ăn nhiều loại hoa quả, trái cây tươi giàu Vitamin C giúp phát triển mô liên kết, tăng sức đề kháng, hoàn thiện chức năng của toàn bộ đường tiêu hoá một cách toàn diện, từ thực quản, dạ dày, ruột non đến ruột già. Sữa và các chế phẩm từ sữa thường giàu canxi và có khả năng hỗ trợ chức năng thần kinh đường tiêu hoá còn non yếu của trẻ.