Đau đồng thời cổ, vai và gáy là một hiện tượng rất thường gặp. Nó có thể gây ra những khó chịu đáng kể cho người mắc, từ việc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đến làm giảm năng suất làm việc, tăng số lần khám bệnh ngoại trú, gây ra những gánh nặng tinh thần, tài chính. Để điều trị hiệu quả tình trạng này, trước hết cần xác định được chính xác nguyên nhân gây ra nó. Vậy đâu là những nguyên nhân thường gặp?
Mục lục
Mối liên hệ giữa đau cổ và vai gáy
Cổ được tạo thành từ cột sống cổ – phần trên cùng của cột sống. Cột sống kéo dài từ cổ xuống đến lưng dưới, tạo thành một cấu trúc giống như đường hầm bảo vệ cho các dây thần kinh của bạn. Tất cả các dây thần kinh trong cơ thể chúng ta đều đi qua cột sống. Tại các điểm cụ thể dọc theo cột sống, các dây thần kinh này sẽ rẽ ra và đi đến các bộ phận khác của cơ thể.
Tại cột sống cổ, có một số dây thần kinh rẽ ra vai, gáy và lưng trên. Vì thế, khi bạn bị đau cổ, cơn đau có thể lan tới vai gáy và ngược lại.
Ngoài ra, cổ vai gáy cũng có chung một số cơ, gân và dây chằng. Nên nếu bạn bị kích thích một trong các cấu trúc này ở cổ, bạn cũng có thể kèm theo đau vai gáy. Ngược lại, nếu cơ, gân, dây chằng ở vai bị kích thích gây đau, cơn đau cũng có thể lan tới cổ gáy.
Đau cổ vai gáy là một hiện tượng phổ biến và thường xảy ra theo một trong những cách sau:
- Từ từ theo thời gian. Ban đầu cơn đau chỉ nhẹ và thường chỉ xảy ra vào cuối ngày làm việc, nhưng theo thời gian nó tái phát với tần suất liên tục hơn và trở nên tồi tệ hơn.
- Ngay sau một chấn thương. Ví dụ, đau cổ vai gáy có thể bắt đầu ngay sau một vụ tai nạn xe.
- Phản ứng chậm sau chấn thương. Các triệu chứng bong gân cổ, chẳng hạn như sau một tai nạn xe hơi, có thể bắt đầu vài giờ hoặc vài ngày sau khi chấn thương xảy ra.
- Đột nhiên mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước. Đôi khi cơn đau cổ vai gáy có thể bắt đầu vào một ngày bình thường mà không có bất kì dấu hiệu báo trước nào.
- Các cơn đau cổ vai gáy diễn ra liên tục, biến mất nhanh chóng, đến và đi thường xuyên hoặc trở lại không liên tục. Một số hoạt động hoặc cử động, chẳng hạn như hắt hơi hoặc ho, có thể khiến cơn đau tồi tệ hơn.
Nguyên nhân đau cổ vai gáy được chia thành hai dạng là nguyên nhân không bệnh lý và nguyên nhân bệnh lý. Phần dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu rõ hơn về các nguyên nhân này.
Nguyên nhân không bệnh lý
Làm việc nhà
Làm việc nhà là một nguyên nhân phổ biến gây đau cổ vai gáy. Đặc biệt là khi bạn thực hiện các công việc dọn dẹp trong một khoảng thời gian dài. Chẳng hạn như: ngửa cổ để lau bụi bẩn trên trần nhà, cúi người để làm sạch cống rãnh, nhà vệ sinh,…
Trông em bé
Nếu bạn có con nhỏ, chắc chắn bạn sẽ hiểu cảm giác đau mỏi vai gái khi trông một đứa trẻ. Đặc biệt, nếu bạn vừa sinh hay đang cho con bú.
Lúc mới sinh, bạn thường có xu hướng ôm con khi ngủ và nằm nghiêng về một bên. Tư thế ngủ này khiến vai bạn bị đè xuống và tạo ra sự lệch lạc, từ đó làm tăng nguy cơ bị mỏi cổ vai. Ngoài ra, nhiều bà mẹ cũng có thói quen bế con một bên và làm việc nhà bằng một tay, điều này gây nhiều áp lực lên một bên cơ thể, tạo ra sự mất cân bằng, cột sống bị vẹo, về lâu dài có thể dẫn tới đau nhức.
Sai tư thế
Ngồi làm việc, ngủ, đi đứng,… sai tư thế cũng là nguyên nhân thường gặp khiến bạn bị đau mỏi vai gáy.
Khi bạn sai tư thế và điều này diễn ra lặp đi lặp lại, nó gây ra những ảnh hưởng đến cơ, dây thần kinh, mô liên kết, khớp cũng như các đĩa đệm cột sống. Sai tư thế khiến chúng phải chịu nhiều áp lực hơn hoặc phải làm việc không đúng với nhiệm vụ của mình. Chẳng hạn: Một số cơ chịu trách nhiệm chuyển động lại phải hoạt động nhiều hơn khi bạn ngồi sai tư thế, trong khi các cơ chịu trách nhiệm cho việc ngồi lại không được sử dụng, khiến chúng yếu ớt dần đi và giãn ra.
Mang túi đeo chéo
Nhiều người thích mang túi đeo chéo và cho rất nhiều thứ vào túi, như: bình nước, sách vở, bút, đồ dưỡng da,… Đây có thể là những chiếc túi sành điệu và thời trang, thế nhưng nó lại không tốt cho cổ vai gáy của bạn.
Khi bạn mang túi đeo chéo với đầy vật dụng bên trong, bạn thường có xu hướng nghiêng hơn về một bên để có thể giữ thăng bằng cho cơ thể. Liên tục ở trong tư thế này, chẳng mấy chốc mà bạn sẽ cảm thấy vai và cổ của mình mỏi nhừ, cơ thì căng ra, cơn đau vai gáy ập tới.
Nguyên nhân bệnh lý
Bệnh thoái hóa đĩa đệm đốt sống cổ
Đĩa đệm cột sống giống như bộ giảm xóc, nằm giữa các đốt sống của cột sống. Theo thời gian, các đĩa đệm này thường có xu hướng hao mòn dần đi. Đây là hiện tượng bình thường và tất cả mọi người đều gặp phải.
Thông thường, sự hao mòn này không không ra bất kì dấu hiệu nào. Tuy nhiên, ở một số người, nó có thể dẫn đến đau theo nhiều cách khác nhau với các triệu chứng phổ biến gồm: đau cổ vai gáy với các cơn đau dai dẳng hoặc nghiêm trọng, kéo dài từ vài ngày đến vài tháng. Trong một số trường hợp, bệnh thoái hóa đĩa đệm có thể dẫn đến tê và ngứa ran ở tay và chân, khiến cơ chân yếu đi.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh tự miễn có thể gây đau và tổn thương khớp khắp cơ thể. Nó xảy ra khi hệ miễn dịch có sự nhầm lẫn, tấn công chính các mô khỏe mạnh trong cơ thể mình, ở đây là lớp niêm mạc khớp khỏe mạnh.
Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ làm ảnh hưởng tới khớp mà nó còn có thể tấn công tới cả cột sống, cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh khắp cơ thể. Ở cột sống, hai vị trí dễ bị tấn công nhất là cột sống cổ và cột sống thắt lưng.
Khi bị viêm khớp cột sống cổ, triệu chứng thường gặp là bị đau vùng cổ vai gáy. Nếu thực hiện các động tác như cúi đầu, ngửa cổ, cơn đau có thể trở nên trầm trọng hơn.
Thoát vị đĩa đệm ở cổ
Đĩa đệm bao gồm hai phần: phần bên ngoài cứng và phần nhân bên trong mềm. Phần bên ngoài của đĩa đệm (annulus fibrosus) còn gọi là bao xơ, có cấu tạo từ các tấm sợi collagen đồng tâm, bao quanh lõi bên trong. Nhân đĩa đệm (pulposus) chứa một mạng lưới sợi lỏng lẻo, dạng gel. Khi phần nhân bên trong nhô ra khỏi vòng ngoài, nó được gọi là thoát vị đĩa đệm hay trượt đĩa đệm.
Khi bạn bị thoát vị đĩa đệm ở cổ, nó có thể gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu vùng cổ, gáy. Nếu đĩa đệm bị trượt chèn ép vào dây thần kinh vai, bạn có thể bị đau tê vùng vai, tay.
Nên làm gì nếu bị đau cổ vai gáy?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau mỏi cổ vai gáy, nhưng thông thường các nguyên nhân này đều không quá nghiêm trọng và do tình trạng không bệnh lý gây ra. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần tìm ra nguyên nhân của mình (sai tư thế, sử dụng túi đeo chéo,…) và điều chỉnh lại sao cho phù hợp. Đây là các cơn đau cấp tính và sẽ đỡ dần theo thời gian nếu bạn khắc phục đúng.
Tuy nhiên, như bạn đã biết ở trên, đau mỏi cổ vai gáy cũng có thể do bệnh lý gây ra. Vì thế, bạn nên đi khám bác sĩ nếu:
- Bị đau nhức kéo dài trên 6 tuần;
- Tình trạng không thuyên giảm hoặc có chiều hướng nặng lên.
Kèm theo đó là một trong các triệu chứng sau đây:
- Chạm nhẹ vào vùng vai gáy là đau;
- Có những cơn đau dữ dội hoặc xuất hiện đột ngột;
- Có dấu hiệu nhiễm trùng (sốt/ớn lạnh, nôn/buồn nôn)
- Giảm cân mà không rõ lý do;
- Không thể cúi, ngửa, xoay đầu, cử động vai;
- Tay kém, yếu cơ, cảm giác tê rần, nặng nề lan tỏa ra các chi;
- Có tiền sử gia đình mắc các bệnh tự miễn;
Bạn nên lập tức cấp cứu nếu bị đau cổ vai gáy sau chấn thương, tai nạn nặng.
Kết luận
Đau cổ vai gáy là một hiện tượng thường gặp và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nó gây ra nhiều khó chịu, lo lắng, mệt mỏi cho người bệnh. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới năng suất làm việc cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể điều trị được, điều quan trọng là cần xác định được chính xác nguyên nhân và cần kiên trì, tuân thủ phác đồ điều trị.
Nguồn bài viết: